“Chính sách mà tôi băn khoăn mãi là tiền lương. Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Theo từ điển, nhà giáo là những người làm nghề dạy học. Tôi làm cán bộ quản lý giáo dục thì có được gọi là nhà giáo hay không?”
Tâm sự này của một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương tại Hội thảo Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng ngày 5/12 cũng là băn khoăn của rất nhiều cán bộ quản lý giáo dục hiện nay.
Theo đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, các giáo viên có thành tích tốt sẽ được cất nhắc lên làm cán bộ quản lý giáo dục, nhưng khi về các phòng, sở công tác, họ lại giảm thu nhập vì bị cắt phụ cấp thâm niên, cắt phụ cấp đứng lớp.
“Có người đã đi dạy 25 năm ở trường, nhưng khi lên Sở là mất hết 25 năm thâm niên. Tôi nghĩ nên bổ sung việc tăng lương cho cả cán bộ quản lý giáo dục, nếu không thì cán bộ quản lý giáo dục rất thiệt thòi,” vị này kiến nghị.
[Năm điểm mới đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục]
Đây cũng là quan điểm của bà Nguyễn Thúy Hường, Phó trưởng Phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam. Bà Hường cho biết, theo quy định, thầy cô phải có ít nhất 5 năm đứng lớp ở các trường và có thành tích mới được làm cán bộ quản lý giáo dục. Vì thế, cần có cơ chế chính sách nhất định để đảm bảo quyền lợi và để đội ngũ này yên tâm công tác.
“Khi biết tôi sẽ tham dự Hội thảo góp ý cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhiều chuyên viên và cán bộ quản lý đã gửi gắm ý kiến đề xuất với Bộ có cơ chế chính sách cho phù hợp với họ,” bà Hường chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh Nam Định, ông Vũ Xuân Mai thì đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên định nghĩa lại, mở rộng khái niệm nhà giáo để cán bộ quản lý giáo dục cũng thuộc đối tượng được hưởng mức lương mới.
“Cán bộ quản lý giáo dục đều đi lên từ giáo viên phổ thông, nhưng vì thu nhập giảm đi nên nhiều người có năng lực quản lý không muốn rời bục giảng về phòng làm cán bộ,” ông Mai nói.
Trước các kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện lương giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được tính theo hai ngạch bậc khác nhau. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Độ, Ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để cân nhắc điều chỉnh./.