Năng động trong hút vốn FDI tại khu vực kinh tế Đông Nam Bộ

Nắm bắt được xu thế phát triển mới, các tỉnh thành trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ đã chủ động triển khai nhiều, xây dựng nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn vốn FDI.
Năng động trong hút vốn FDI tại khu vực kinh tế Đông Nam Bộ ảnh 1Hoạt động tại Công ty TNHH Digi-Texx (Đức) tại Công viên phần mềm Quang Trung - một trong những công ty tiên phong và hàng đầu trong lĩnh vực BPO (dịch vụ thuê ngoài) tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã trở thành một nguồn lực quan trọng đối trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Nắm bắt được xu thế phát triển mới, nhận diện được các lợi điểm của mình, các tỉnh thành trong vùng kinh tế Đông Nam bộ đã chủ động triển khai nhiều, xây dựng nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn vốn FDI.

“Đất lành, chim đậu”

Đánh giá về tiềm năng phát triển của các tỉnh thành trong vùng Đông Nam bộ, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, từng nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ có Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, công nghiệp thương mại, dịch vụ, du lịch... là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế lớn nhất nước.

Hơn nữa, Vũng Tàu là thành phố cảng biển, trung tâm dịch vụ và công nghiệp, du lịch biển lớn của quốc gia, có trục đường xuyên á chạy qua, là điểm trung chuyển của tuyến hàng không quốc tế từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, trên tuyến đường xuyên Á nối liền với các nước Đông Nam Á lục địa.

Ngoài ra, nằm gần khu vực có nền kinh tế phát triển năng động của châu Á với các trung tâm lớn như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur… nên các địa phương trong vùng có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, so với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực phía Nam, Đồng Nai có khá nhiều ưu thế để thu hút đầu tư nhất là ưu thế về vị trí chiến lược, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt và chính quyền địa phương rất tích cực hỗ trợ nhà đầu tư. Hiện nay, tỉnh đã phân bổ các ngành nghề đầu tư cho từng khu công nghiệp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng mới, hiện đại, có giá trị lâu dài và tác động mạnh đến quá trình đô thị hóa. Hiện có 28 trong tổng số 31 khu công nghiệp đã hoàn thiện hệ thống hạn tầng với chất lượng tốt, đảm bảo theo quy hoạch và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Với định hướng hút vốn vào công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, vừa qua Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Đồng Nai thành lập 3 phân khu công nghiệp hỗ trơ bao gồm phân khu công nghiệp hỗ trợ Nhơn Trạch 6, An Phước, Giang Điền.

Trong khi đó, Bình Dương được ví như “thủ phủ” khu công nghiệp của cả nước khi đã phát triển khá nhanh hạ tầng trong lĩnh vực này với 29 khu công nghiệp có tổng diện tích gần 12.800 ha. Tỷ lệ phủ kín các khu công nghiệp tại tỉnh đã đạt 73,8%.

Dự kiến đến năm 2020, Bình Dương sẽ phát triển thêm 5 khu công nghiệp mới, tiếp tục tạo động lực để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa.

Đến nay, đã có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bình Dương. Trong đó, xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hoa Kỳ…. Đây đều là những quốc gia và vùng lãnh thổ có mối quan hệ lâu dài và bền vũng với tỉnh Bình Dương.

Tính đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quy hoạch và đầu tư 14 khu công nghiệp với diện tích 8.400 ha và 52 bến cảng tổng hợp, cảng container. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết nằm gần hệ thống cảng biển nước sâu, rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Từ những lợi thế này, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hà Lan, Singapore…

Một số tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia đã hoạt động đầu tư và đồng hành với sự phát triển của tỉnh trong những năm qua như Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung…

Trong 30 năm đổi mới, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến một bước dài trên con đường phát triển, trở thành đầu tàu của nền kinh tế cả nước.

Đồng hành sự phát triển và những thành tựu đạt được là sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn đi đầu trong các ngành, lĩnh vực thông qua quy mô đầu tư, trình độ quản lý, công nghệ, khả năng sử dụng lao động, xuất khẩu…

Theo Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, sau 25 năm xây dựng và phát triển, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 4.532 ha, trong đó 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động.

Dựa vào quy hoạch phát triển đến năm 2020, thành phố sẽ có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 6.000 ha, đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở tất cả các lĩnh vực kinh tế.

Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được phát triển theo hướng mở rộng diện tích và hoàn thiện hạ tầng, nhằm thu hút các dự án đầu tư.

[30 năm thu hút FDI: Nền tảng để ngành dầu khí "cất cánh"]

Tạo môi trường để FDI “bén rễ”

Chia sẻ về những kết quả đạt được trong thu hút FDI, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết, sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn FDI vào Đồng Nai thời gian qua một phần bắt nguồn từ chiến lược mở rộng đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam - quốc gia có nhiều cơ hội, lợi điểm từ quá trình hội nhập sâu và rộng, đặc biệt trong sân chơi của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tuy nhiên trong xu thế đó, cơ hội không chia đều, mà những địa phương và các khu công nghiệp có hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ tốt sẽ tiếp tục là những ‘vùng trũng” thu hút FDI nhiều nhất.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đầu tư hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng mới, hiện đại, có giá trị lâu dài và tác động mạnh đến quá trình đô thị hóa.

Hiện có 28 trong tổng số 31 khu công nghiệp đã hoàn thiện hệ thống hạn tầng với chất lượng tốt, đảm bảo theo quy hoạch và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Theo ông Đinh Quốc Thái, để trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư như hiện nay, bên cạnh những tiềm năng, thuận lợi về vị trí, về dân số và địa chất, Đồng Nai đã luôn chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, tích cực cải cách hành chính và luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

Trong khi đó, tỉnh Bình Dương tập trung đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc).

Bằng nhiều kênh thông tin, tỉnh Bình Dương kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung với các dự án công nghiệp hỗ trợ; tranh thủ cơ hội Việt Nam tham gia các FTA và những dự án có hàm lượng công nghệ cao theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, để đón làn sóng đầu tư và đạt kết quả ấn tượng trong những năm qua, trong thập kỷ qua Bình Dương đã đầu tư nguồn lực lớn hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó việc phát triển hệ thống giao thông, tạo kết nối thuận lợi với các địa phương trong khu vực đã tạo nên sức hấp dẫn đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Từ thực tiễn thu trong hoạt động thu hút vốn FDI tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố chia sẻ, việc quy hoạch và phát triển hạ tầng phải đi trước một bước.

Quy hoạch phù hợp giúp nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, đầu tư cơ sở vật chất hoạt động dài hạn, qua đó giúp Thành phố bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe, đảm bảo chất lượng sống người dân.

Hạ tầng phát triển sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh, tạo khả năng kết nối với các địa phương xung quanh và các thị trường lớn trên thế giới, qua đó giúp nhà đầu tư giảm bớt chi phí và rút ngắn thời gian kinh doanh.

Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xử lý các vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm, cân nhắc khi đầu tư vào Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đối với nhà đầu tư, thời gian và chi phí để gia nhập thị trường là quan trọng, họ luôn đòi hỏi thủ tục hành chính phải đơn giản, nhanh gọn để tập trung việc xây dựng, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ.

Do đó, nếu việc giải quyết thủ tục hành chính không tiệm cận được với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực thì sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Để doanh nghiệp FDI gắn bó lâu dài, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung đẩy mạnh các chương trình kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, kết nối cộng đồng khởi nghiệp với các nhà đầu tư nước ngoài, mời gọi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài của Thành phố đóng góp ý kiến, tạo cầu nối giữa chính quyền, doanh nghiệp, doanh nhân Thành phố với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho nhà đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành lập Tổ công tác liên ngành về đầu tư do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố làm tổ trưởng.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác này là mô hình là đầu tiên của cả nước và chưa có tiền lệ từ trước đến nay.

Tổ công tác có nhiệm vụ hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư của doanh nghiệp cho đến khi dự án được cấp phép hoạt động, kể cả hỗ trợ thông tin quy hoạch để lập dự án chuẩn bị đầu tư và liên hệ các bộ ngành Trung ương.

Vì vậy, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Tổ công tác và không cần nộp hồ sơ tại bất kỳ cơ quan nào khác.

Tổ công tác đã đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 50% thời gian xử lý so với quy định; tập trung vào hai vấn đề lớn mà nhà đầu tư nước ngoài hay gặp phải đó là xác định cơ bản chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục