Nâng chất lượng giải quyết tin tố giác, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm

Giải đáp lo lắng của đại biểu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định quy trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm được thực hiện rất chặt chẽ.
Nâng chất lượng giải quyết tin tố giác, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm ảnh 1Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 30/10, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi đối với Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí là các giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, giải quyết tin báo tố giác, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Phòng tránh tiêu cực trong hoạt động điều tra

Đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí liên quan đến chất lượng điều tra tội phạm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) dẫn chứng báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm năm 2018, số vụ án, bị can bị tạm đình chỉ điều tra ngày càng gia tăng, với hơn 12.000 vụ và 2.000 bị can, tăng 4% số vụ, 6,7% số bị can. Trong đó, một số vụ sắp hết hiệu lực điều tra, có nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Số lượng vụ án, bị can bị tạm đình chỉ điều tra này đẩy các bị can vào tình trạng "treo lơ lửng" trách nhiệm pháp lý.

Nguyên nhân chủ quan của tình trạng này và giải pháp đột phá để khắc phục là gì? - đại biểu Mai Thị Phương Hoa đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tính từ ngày 1/10/2017 đến ngày 30/9/2018, số bị can bị đình chỉ điều tra là 2.349 bị can (tăng 20%). Việc phát sinh số vụ án đình chỉ điều tra là do việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều nội dung mới. Trong số các trường hợp đình chỉ điều tra, số do nguyên nhân chủ quan chiếm tỷ lệ nhỏ, 24 trường hợp, tương đương 0,75% tổng số bị can, trong đó 18 bị can đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm, quá trình điều tra đã có kết luận...; sáu trường hợp bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện phạm tội. Đối với các trường hợp này, cần kiểm tra đánh giá từng trường hợp cụ thể, xác định được vấn đề oan sai bồi thường thiệt hại.

Để nâng cao hiệu quả công tác điều tra, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, thời gian tới, Bộ Công an cần tập trung thực thi hiệu quả Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ; tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng điều tra công an các cấp; bố trí các phòng hỏi cung có ghi âm, ghi hình để kiểm soát các hoạt động này; thanh, kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm, trước mắt là triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổng kiểm tra các vụ việc tạm đình chỉ điều tra và đình chỉ điều tra trong toàn quốc; thực hiện các giải pháp phòng chống tiêu cực trong hoạt động điều tra, chống bức cung, nhục hình và các vi phạm khác có liên quan...

[Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận việc tinh giản biên chế còn chậm]

Làm rõ hơn nội dung này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng thực hiện, mang lại một số kết quả, song vẫn còn những tồn tại.

Nhận thức được đây trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ áp dụng những biện pháp để khắc phục hạn chế. Ngành tăng cường kiểm sát quá trình giải quyết, xử lý tin báo tố giác tội phạm ngay từ đầu. Trong quá trình khởi tố điều tra, yêu cầu kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ chặt chẽ để phát hiện những bất cập về hồ sơ, số liệu của vụ án, từ đó đưa ra những xác minh đối với yêu cầu điều tra kịp thời.

Quá trình kiểm sát phải thực hiện chặt chẽ từ khâu đầu đến quá trình điều tra và truy tố. Trong quá trình triển khai, cần tiếp tục thanh, kiểm tra các quy định của Luật Tố tụng hình sự và các quy định nghiệp vụ của ngành để chấn chỉnh việc chấp hành, hạn chế các sai sót.

Đồng thời, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành chỉ thị yêu cầu 63 Viện trưởng của 63 tỉnh, thành phố rà soát toàn bộ lại các vụ việc tạm đình chỉ. Sự việc nào còn trong thời hiệu sẽ tiếp tục xem xét, phục hồi điều tra trong thời hạn cho phép. Sự việc nào không đủ điều kiện phải kết thúc để bảo đảm trách nhiệm trong quá trình kiểm sát, điều tra, truy tố, xét xử.

Tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm

Giải đáp lo lắng về chất lượng điều tra, kiểm sát thông qua việc giải quyết các tin báo, tố giác có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, quy trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm được thực hiện rất chặt chẽ.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, trong năm 2018, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm soát, giải quyết được 120.142 tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tăng 6.627 tin báo tố giác (tăng 5,83% so với cùng kỳ năm ngoái); trực tiếp kiểm soát giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố 1.218 lượt (tăng trên 13%); yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố điều tra 665 vụ (tăng 31,5%).

Việc xử lý tin báo tố giác tội phạm là nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát quá trình thụ lý giải quyết tin báo. Con số 3.361 tin báo, tố giác tội phạm vi phạm thời hạn giải quyết đó là do Viện Kiểm sát các cấp phát hiện và sẽ ban hành 1.225 kiến nghị để cơ quan điều tra khắc phục (tăng 184 kiến nghị). Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm hạn chế các tồn tại, thực hiện tốt hơn việc xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục