Khởi công vào tháng 7/2014, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) được ấn định thời gian hoàn thành vào quý 2/2016.
Theo đơn vị điều hành quản lý dự án và các nhà thầu, công tác giải phóng tại địa bàn các huyện của Hải Dương chậm khiến nhiều đoạn trên tuyến đường này không thể thi công, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Mặt bằng “xôi đỗ” ngâm tiến độ
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT 38 - nhà đầu tư dự án cho biết, đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho dự án là 16,4/28km, toàn tuyến đạt 58,5%. Tuy nhiên, một số đoạn vẫn còn vướng các công trình chuyên ngành, hạ tầng như cây xanh, cáp viễn thông, điện lực (chiếm 4,9%). Hầu hết, mặt bằng tuyến đường bị vướng mắc chủ yếu nằm ở các điểm giao cắt tại các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang của địa bàn Hải Dương.
Theo ông Trí, nhà đầu tư đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Bắc Ninh khi dự án đi qua thành phố và 2 huyện Thuận Thành và Tiên Du đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng 90% để dự án có thể triển khai thi công.
“Trái ngược, các gói thầu đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương đang bị ‘ngâm’ tiến độ do địa phương mới chỉ thực hiện bàn giao được 50% mặt bằng trong khi hạn chót giải phóng mặt bằng vào ngày 30/7 vừa qua, còn một số hạng mục nhỏ thì đến 30/9/2015 phải xong. Đặc biệt, tỉnh ‘vin’ vào thời hạn cuối cùng là 30/9 nên chưa quyết liệt triển khai công tác bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư,” ông Trí nhấn mạnh.
Đơn cử như đoạn qua địa phận huyện Cẩm Giàng đến nay vẫn chưa xây dựng được đơn giá bồi thường đối với đất ở nên một số hộ dân chưa nhận được tiền hỗ trợ, cản trở không cho thi công ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Hiện, Ủy ban Nhân dân tinh Hải Dương đã gia hạn tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án đến 15/8/2015 hoàn thành.
Ngoài ra, đối với đất thổ cư, đất ở huyện Bình Giang đang gặp khó khăn trong công tác xác minh nguồn gốc đất đến nay vẫn chưa hoàn thành, chậm tiến độ theo kế hoạch 30/6/2015 phải xong.
Đề cập đến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, vị đại diện nhà đầu tư này khẳng định, tiền bồi thường mặt bằng cho toàn dự án là 334,8 tỷ đồng lúc nào cũng có sẵn, nhưng chưa thể giải ngân vì nhiều hộ dân chưa chịu nhận tiền, thậm chí cản trở thi công khiến một số gói thầu của dự án bị chậm trễ hoặc thi công theo kiểu "xôi đỗ".
Theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT 38, dự án Quốc lộ 38 có 10 gói thầu xây lắp trong đó có 7 gói thi công đường (từ 11-17) và 3 gói thầu khác gồm điện chiếu sáng, an toàn giao thông và trạm thu phí.
Hiện tại, các gói thầu 11 (km4+200-km6+555) đến gói 15 (km18+000-km22+465) có tổng chiều dài 15km đã triển khai thi công đắp đất, đắp nền, đúc cống rãnh dọc hình chữ U và tiến độ của các gói này đang trong tầm kiểm soát.
Cam kết hoàn thành, bù tiến độ
Tại nút giao km287 (gói thầu số 12) xã Tân Trì (Tiên Du, Bắc Ninh), nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Licogi 16 đã triển khai máy móc, thiết bị như máy xúc, lu, ủi... tại hiện trường để thi công. Thậm chí, nhằm bù tiến độ, nhà thầu đã phải tăng ca để lấp đầy thời gian thi công. Dự kiến, nút giao này sẽ hoàn thành xong trước Tết Âm lịch 2016.
Hay gói thầu số 14 dài 5km qua huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), đến nay, nhà thầu đã thi công được 3,5/5km (70% khối lượng công việc) đến tháng 9/2015 sẽ thi công xong toàn bộ công tác nền và chuyển sang làm mặt đường, thảm nhựa.
Gói thầu 16, 17 thuộc huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) tiến độ thi công mới đạt được 30% do đều dính nhà dân nằm ‘chình ình’ trên tuyến, bàn giao mặt bằng theo kiểu ‘xôi đỗ’ (vẫn còn rải rác nhà dân) nên rất khó thi công. Công tác giải phóng mặt bằng dự án rất chậm đã ảnh hưởng đến tổ chức thi công của các nhà thầu như không đưa được dây chuyền đồng bộ, vận chuyển thiết bị vật liệu.
“Với tiến độ mặt bằng bàn giao đến thời điểm nay, 2 gói thầu 16 và 17 sẽ phải lùi thời gian hoàn thành vào 30/4/2016 so với kế hoạch đề ra ban đầu là 28/2/2016,” đại diện Công ty Cổ phần BOT 38 cho hay.
Trực tiếp kiểm tra hiện trường, ông Nguyễn Hồng Du, Giám đốc điều hành dự án (Ban Quản lý dự án 2 - đơn vị thay mặt Bộ Giao thông Vận tải quản lý và điều hành dự án Quốc lộ 38) cho biết, tất cả công tác đắp nền đường phải hoàn thành xong trước tháng 10/2015 để tới tháng 11/2015 thi công cấp phối đá dăm và thảm nhựa.
Những đoạn có mặt bằng, liên danh nhà thầu đều cam kết hoàn thành theo đúng tiến độ. Vì thế, khối lượng dự án thay đổi từng ngày. Tư vấn giám sát, liên danh nhà thầu sẽ xem xét thay thế các đơn vị thi công không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Do khối lượng thi công còn lớn, ông Du kiến nghị, lãnh đạo ban, ngành tỉnh giải quyết dứt điểm các vướng mắc còn lại, tuyên truyền người dân khu vực dự án đi qua tạo điều kiện cho đơn vị thi công đảm bảo đúng dự án. Nhà thầu luôn sẵn sàng triển khai thiết bị, vật tư khi mặt bằng bàn giao được đến đâu thì sẽ thi công đến đó nhằm “thúc” tiến độ công trình.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Du cho biết, Ban Quản lý dự án 2 đã bố trí cán bộ trực 24/24 giờ trên hiện trường để đôn đốc, giải quyết mọi vướng mắc cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.
“Đối với các đoạn còn vướng mặt bằng, nhà đầu tư sẽ tiếp tục cùng các địa phương tháo gỡ dứt điểm đồng thời các nhà thầu dốc toàn lực, thi công tăng cường đảm bảo tiến độ thông xe của dự án. Đại diện các nhà thầu cam kết sẽ hoàn thiện các hạng mục còn lại của các gói thầu trước ngày 28/2/2016,” ông Du nhấn mạnh.
Theo ông Du, khối lượng công việc còn lại rất nhiều, thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa mưa nên các đơn vị nhà thầu phải tận dụng ngày nắng để đẩy thi công nhằm đảm bảo tiến độ. Các đơn vị phải “vạch” tiến độ từng ngày để hoàn thiện các hạng mục./.
Nhà đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 gồm liên danh Công ty cổ phần xây dựng số 2 (Vinaconex), Công ty Cổ phần đầu tư khai thác Cảng và Công ty Cổ phần Licogi 16.
Quốc lộ 38 có hướng tuyến đi qua Tiên Du-cầu Hồ (bắc qua sông Đuống)-Thuận Thành-Cẩm Giàng-Bình Giang-Ân Thi-Kim Động-thành phố Hưng Yên-cầu Yên Lệnh (bắc qua sông Hồng)-Duy Tiên-Kim Bảng.
Ngoài thành phố Bắc Ninh, thành phố Hưng Yên, tuyến đường này còn chạy qua các thị trấn Hồ, Thuận Thành, Cẩm Giàng, Kẻ Sặt, Ân Thi, Lương Bằng, Hòa Mạc và Đồng Văn.