Nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật

Quy định trách nhiệm tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 43, chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bổ sung quy định trách nhiệm tham gia thẩm tra

Tại phiên họp, quy định trách nhiệm tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, các cơ quan thống nhất cần tiếp thu, bổ sung quy định về vấn đề này, nhưng cách thức thể hiện trong dự thảo Luật thì đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, bổ sung trách nhiệm tham gia thẩm tra của tất cả các cơ quan của Quốc hội theo hướng quy định khái quát.

Theo đó, đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ phân công cơ quan chủ trì thẩm tra; còn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác chủ động tổ chức nghiên cứu để chuẩn bị ý kiến tham gia thẩm tra về những nội dung của dự án liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách; gửi văn bản tham gia thẩm tra và cử đại diện tham dự phiên họp của cơ quan chủ trì thẩm tra.

Phương án 1 có ưu điểm là bảo đảm sự bình đẳng trong việc thực hiện trách nhiệm tham gia thẩm tra của tất cả các cơ quan của Quốc hội nhằm “gác cửa” về những nội dung của dự án có liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách. Bởi vì, ngoài chính sách dân tộc, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế thì còn các vấn đề khác cũng rất quan trọng như kinh tế, tài chính, ngân sách, phòng, chống tham nhũng, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường… đều cần phải được xem xét toàn diện.

Quy định sẽ nâng cao trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong việc tham gia thẩm tra, góp phần bảo đảm chất lượng của văn bản.

Phương án 2, bổ sung quy định trách nhiệm của 3 cơ quan gồm: Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Đối ngoại trong việc tham gia thẩm tra các vấn đề, lồng ghép chính sách dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tính tương thích với các điều ước quốc tế, vì đây là những vấn đề quan trọng, cần có sự đánh giá, thẩm tra kỹ lưỡng hơn đối với các dự án trong giai đoạn hiện nay.

Phương án 2 có ưu điểm là chỉ rõ trách nhiệm của 3 cơ quan nêu trên trong việc tham gia thẩm tra đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đối với các nội dung thuộc lĩnh vực do các Ủy ban khác phụ trách như kinh tế, tài chính, ngân sách, phòng, chống tham nhũng, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường… thì lại không được xử lý đồng bộ, nên không bảo đảm tính toàn diện trong công tác tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chọn Phương án 1.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng Điều 69 Luật Tổ chức Quốc hội quy định rõ thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc là thẩm tra việc đảm bảo chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia ý kiến về việc ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian qua, quy định này hầu như không thực hiện được.

Chủ tịch Hà Ngọc Chiến đề nghị dự thảo Luật phải quy định rõ: Hội đồng Dân tộc tham gia thẩm tra việc đảm bảo chính sách dân tộc trong dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chính sách dân tộc, Chính phủ phải xin ý kiến của Hội đồng Dân tộc.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng Hội đồng Dân tộc có vị trí, vai trò quan trọng.

"Ngay trong phiên họp của Chính phủ cũng bắt buộc có sự tham gia của Hội đồng Dân tộc, điều đó chứng tỏ sự quan tâm của chúng ta đối với chính sách dân tộc. Cho nên, ngoài việc bổ sung các văn bản rà soát quy định bình đẳng giới đối với tất cả các luật như là điều kiện bắt buộc, thì có cần quy định văn bản Hội đồng Dân tộc thẩm tra các dự án luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc là bắt buộc hay không?," bà Hải nêu vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc trong quá trình thẩm tra các dự án luật thời gian qua khi văn bản phối hợp dày dặn, thực hiện nghiêm túc chứ không phải làm hình thức. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu nhiều cơ quan tham gia thì mất vai trò chủ trì thẩm tra. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với phương án 1, bổ sung trách nhiệm tham gia thẩm tra của tất cả các cơ quan của Quốc hội theo hướng quy định khái quát.

"Những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, dân tộc… thì nhất định phải có văn bản tham gia ý kiến của Hội đồng Dân tộc nhưng cơ quan chủ trì thẩm tra vẫn là cơ quan được phân công chứ không phải đồng chủ trì thẩm tra," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đảm bảo sự thống nhất giữa các luật

Cũng trong chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý về các vấn đề có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ một số ý kiến cho rằng thủ tục thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng còn phức tạp, kéo dài, đề nghị liên thông, đồng bộ hóa các luật có liên quan về cùng một nội dung thẩm định, cấp phép; làm rõ nội dung về trách nhiệm trong hoạt động thẩm định.

[Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp]

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật đã phân định rõ việc thẩm định đối với từng loại dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan như: đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 56); phân định nội dung, trách nhiệm cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu trong công tác thẩm định dự án, thiết kế xây dựng (Điều 56, 82).

Việc thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đã tích hợp với việc cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn giấy phép xây dựng (điểm g, khoản 2, Điều 89). Để cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, dự thảo Luật cũng đã quy định chủ đầu tư có thể trình các cơ quan có thẩm quyền hồ sơ dự án, thiết kế xây dựng, thực hiện song song, đồng thời các thủ tục trong quá trình thẩm định.

Có ý kiến cho rằng không nên bổ sung nội dung xây dựng công trình cấp bách, đề nghị làm rõ sự cần thiết của việc bổ sung công trình cấp bách vào dự thảo Luật; sự khác biệt giữa công trình xây dựng khẩn cấp và công trình cấp bách. Có ý kiến đề nghị việc quản lý công trình khẩn cấp phải thống nhất với các luật khác.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng hiện nay theo quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật Đầu tư công năm 2019 đều có các quy định liên quan đến công trình khẩn cấp. Do vậy, trong dự thảo Luật vẫn giữ quy định về công trình khẩn cấp để thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.

Bên cạnh các công trình khẩn cấp phải thực hiện ngay lập tức để khắc phục các yếu tố bất khả kháng, trong thực tế còn có những công trình có yêu cầu đầu tư và xây dựng nhanh trong thời gian ngắn (ví dụ các công trình hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu hoặc đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng, an toàn về môi trường), cần được thực hiện song song các thủ tục hoặc có cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các thủ tục…

Do đó, dự thảo Luật bỏ điều quy định về công trình cấp bách, sửa đổi quy định về các đối tượng công trình khẩn cấp bao gồm công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo có yêu cầu triển khai theo nhiệm vụ cấp bách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát lại dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất với các luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị và các luật có tính chất chuyên ngành khác; lưu ý đến các luật đang sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư... bảo đảm không có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quy định về công trình cấp bách và quy định các đối tượng công trình khẩn cấp, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm rút gọn thủ tục trong quá trình triển khai, nhất là công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh, công trình phòng, chống thiên tai, bão lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục