Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, sát thực tiễn của thông tin đối ngoại

Chiều 17/7, dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin Đối ngoại tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 17/7, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin Đối ngoại tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm nay.

Chủ trì Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin Đối ngoại Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thông tin đối ngoại 6 tháng đầu năm nay.

Đồng thời, ông nhấn mạnh sau 1 năm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 57-KL/TW “về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới,” nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác thông tin đối ngoại đã được nâng cao rõ rệt.

Ban Chỉ đạo Trung ương cũng như Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc quán triệt, nghiên cứu, cụ thể hóa, tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nội dung của Kết luận, đặc biệt là 5 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm theo đúng phương châm “chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo và hiệu quả.”

Định hướng công tác giai đoạn nửa cuối năm nay, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị trong 6 tháng cuối năm và lâu dài hơn, hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Ban Chỉ đạo và các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại tiếp tục nghiêm túc triển khai đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới và các văn bản quan trọng khác.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thống nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với công tác thông tin đối ngoại, coi đây là một bộ phận rất quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Song hành với đó, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nỗ lực tăng cường hiệu quả quan hệ đối tác với các nước lớn, các đối tác quan trọng; ý nghĩa kết quả của chuyến thăm; triển vọng quan hệ hợp tác bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Theo dõi, nắm bắt dư luận để chủ động định hướng công tác thông tin tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; qua đó tạo đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đẩy mạnh luồng thông tin, tuyên truyền về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam; những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy thông tin về các lĩnh vực mà Việt Nam đang chú trọng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị tăng cường chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo, giữa Ban Chỉ đạo Trung ương và các Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố và với các cơ quan đại diện Việt Nam, thường trú báo chí Việt Nam tại nước ngoài.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo và khả năng, cơ chế phản ứng nhanh trước những chuyển biến chiến lược của môi trường quốc tế và khu vực, đảm bảo thế chủ động, ưu thế trên mặt trận truyền thông trong nước và quốc tế. Đồng thời, làm tốt, làm sâu, nâng tầm quốc tế cao hơn Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại.

Thông tin tại hội nghị cho thấy trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có diễn biến mới, nhiều vấn đề vượt ngoài dự báo, tính bất ổn gia tăng, một số khó khăn, thách thức mới xuất hiện, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo, sự phối hợp, đóng góp của các ban, bộ, ngành, địa phương, công tác thông tin đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện.

Bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Về công tác chỉ đạo, định hướng thông tin đối ngoại, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng, lồng ghép vào triển khai các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, hài hòa trong triển khai nhiệm vụ thông tin đối ngoại trên toàn lực lượng.

Nội dung thông tin toàn diện, kịp thời, đảm bảo thông tin tích cực giữ vai trò chủ đạo, tình hình về Đảng, đất nước trên mọi lĩnh vực, tình hình quốc tế đã được thông tin kịp thời, khách quan. Các sự kiện chính trị-xã hội nổi bật của đất nước được các cơ quan chức năng liên quan phối hợp trao đổi thông tin, sớm có sự chỉ đạo thống nhất về nội dung, đồng bộ trong triển khai.

Thông tin đậm nét về “bức tranh” kinh tế Việt Nam với nhiều gam màu sáng. Thông tin toàn diện, kịp thời các hoạt động đối ngoại sôi nổi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng nhiều ngôn ngữ, loại hình; truyền tải đầy đủ các thông điệp đối ngoại quan trọng, thông tin tổng hợp về quan hệ giữa Việt Nam và các nước, phản ánh đóng góp tích cực của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề quốc tế, sự tham gia trách nhiệm tại Liên hợp quốc, các cơ chế và tổ chức quốc tế đa phương.

Công tác định hướng tuyên truyền thành tựu về đảm bảo quyền con người, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Thông tin, tuyên truyền về tình hình biển, đảo, biên giới lãnh thổ; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giúp nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động chống phá, kích động, xuyên tạc.

Công tác đổi mới phương thức thông tin đối ngoại có nhiều bước tiến rõ rệt, kết hợp và phát huy hiệu quả truyền thông truyền thống với truyền thông mới, từng bước nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo; tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong thông tin đối ngoại, không ngừng đổi mới hình thức các ấn phẩm tuyên truyền, cách thức truyền tải thông điệp theo hướng ngắn gọn, sinh động, thuyết phục...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác thông tin đối ngoại còn một số hạn chế cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới như nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh trên mặt trận dân chủ, nhân quyền; phối hợp cung cấp thông tin và xác định phương thức thông tin đối ngoại cụ thể đối với từng nhóm đối tác khác nhau.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục