Ngày 23/7, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên" đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Phó trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng các FTA đã tác động tích cực đến cải cách thể chế, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp...
Tuy nhiên, Việt Nam chưa khai thác triệt để cơ hội do các FTA mang lại, chưa tận dụng được những ưu đãi về thuế quan, cải cách thể chế chưa có đột phá...
Báo cáo của VCCI đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực thi các FTA.
Các doanh nghiệp Việt Nam còn nhận thức khá hạn chế về các FTA mặc dù hầu hết đã "nghe nói" tới các FTA này.
[Giai đoạn mới của hội nhập kinh tế cần tận dụng cơ hội từ các FTA]
Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về các FTA tiêu biểu (đã tìm hiểu một số cam kết hoặc đã tìm hiểu kỹ) chỉ là thiểu số (kể cả FTA lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương- CPTPP). Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết sâu về các FTA hầu như rất nhỏ.
Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, hội nhập FTA nói riêng.
Điều tra của VCCI với 250 phản hồi của doanh nghiệp trong 4 ngành sản xuất (dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử) công bố tháng 4/2016 cho thấy, hai yếu tố lớn nhất cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA lần lượt là tình trạng thiếu thông tin về cam kết, cách thức thực hiện và bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước.
Những vấn đề thuộc về năng lực của doanh nghiệp (năng lực cạnh tranh kém, khó đáp ứng quy tắc xuất xứ và cam kết bất lợi) cũng rất lớn, nhưng vẫn xếp sau các yếu tố gắn với hành động của cơ quan nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI, đánh giá còn nhiều yếu tố cản trở doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA, nhưng lỗi đầu tiên thuộc về doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động đi trên con đường hội nhập đã được mở rất rộng.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ định kỳ báo cáo về các kết quả thực thi các FTA, so sánh với các dự báo đánh giá thời điểm phê chuẩn, so sánh với kế hoạch tổng thể thực thi, nhận diện bất cập, nguyên nhân và các giải pháp xử lý.
Đồng thời, định kỳ rà soát lại các khung khổ pháp luật và có điều chỉnh, cập nhật chương trình lập pháp để đáp ứng các yêu cầu trong thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA).
Ngoài ra, cần thiết lập một đầu mối cấp Chính phủ về các FTA để cung cấp thông tin, xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện FTA.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, thực chất các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, góp phần giải phóng nguồn lực và năng lực sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp triệt để cải thiện các nút thắt về cơ sở hạ tầng, chất lượng, năng suất lao động, khả năng tiếp cận vốn (đặc biệt trong giai đoạn hậu COVID-19)...
Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng những lợi thế, cơ hội do FTA mang lại chưa được các doanh nghiệp khai thác triệt để.
Nguyên nhân của tình trạng này là do việc cải cách thể chế, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các FTA vẫn còn chậm; đặc biệt tính chủ động, sẵn sàng của doanh nghiệp chưa cao.
Một số đại biểu đề nghị làm rõ vai trò của VCCI trong việc khuyến khích, hướng dẫn, kết nối các hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình đàm phán, tổ chức thực hiện các FTA.
Có ý kiến cho rằng nội dung phổ biến, tuyên tuyền về các FTA của các cơ quan nhà nước còn chung chung, chưa đi vào vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp quan tâm; cách thức hướng dẫn khó hiểu, phức tạp. Vì thế, cần xem lại cách thức triển khai để việc tuyên truyền thiết thực, hiệu quả hơn./.