Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp phía Bắc

Chương trình Việc làm tốt hơn (Better Work) nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may và da giầy sẽ mở rộng ra khu vực phía Bắc.

Chương trình Việc làm tốt hơn (Better Work), một sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chính thức mở rộng thực hiện tại các doanh nghiệp dệt may và da giầy khu vực phía Bắc.

Sáng ngày 19/3, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã khai trương Văn phòng Better Work khu vực phía Bắc tại Hà Nội.

Việc mở rộng hoạt động ra khu vực phía Bắc là một phần của Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong việc triển khai thực hiện chương trình Better Work.

Theo bản ghi nhớ, trong giai đoạn 2014-2019, chương trình Better Work sẽ mở rộng hoạt động tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong 5 năm tới, do nhu cầu cao từ khách hàng quốc tế và doanh nghiệp Việt Nam, chương trình cũng sẽ mở rộng dịch vụ sang ngành da giầy.

Chương trình Better Work Việt Nam gồm các hoạt động đào tạo, tập huấn, đánh giá mức độ tuân thủ hệ thống pháp luật của Việt Nam và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Kể từ khi bắt đầu tại Việt Nam năm 2009, chương trình đã đến với gần 300.000 công nhân ở hơn 200 nhà máy dệt may, tương đương 1/4 số lượng các nhà sản xuất dệt may trong nước. Hơn 50 khách hàng quốc tế cũng đã đăng ký tham gia chương trình này.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức đánh giá tác động của chương trình vào tháng 9/2011 và tháng 3/2013. Kết quả cho thấy, các nhà máy tham gia chương trình đều phát triển ổn định, 60% số nhà máy tăng quy mô lao động, khoảng 65% số nhà máy tăng doanh số bán hàng và 75% có khối lượng đơn hàng tăng.

Giám đốc ILO Việt Nam ông Gyorgy Sziraczki nhấn mạnh, chương trình Better Work có thể giúp Việt Nam giữ vững và phát huy vai trò là một trong những nước được đặt hàng nhiều nhất đối với ngành dệt may.

“Việt Nam có thể tạo ra sự khác biệt trên thị trường quốc tế không chỉ dựa vào nguồn lao động giá trẻ, mà bằng cách cải thiện điều kiện làm việc, tôn trọng tiếng nói của người lao động và nâng cao năng suất lao động,” ông Gyorgy Sziraczki nói.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng khi Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế toàn cầu và thúc đẩy thương mại quốc tế, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cần phải đáp ứng các yêu cầu điều kiện lao động để có thể tiếp cận các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu.

“Bản thân các doanh nghiệp ngoài ý thức tuân thủ pháp luật lao động phải chứng tỏ được với các công ty mua hàng và người tiêu dùng quốc tế rằng doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có giá rẻ là vì năng suất lao động cao với chi phí sản xuất hợp lý chứ không phải vì bóc lột sức lao động,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục