Nâng cao nhận thức xã hội để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững

Trước những khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, các thành viên Hội đồng thống nhất, Việt Nam không điều chỉnh nội dung, quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 4/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ trì cuộc họp của Hội đồng nhằm cập nhật tình hình giai đoạn 5 năm qua; đề xuất giải pháp thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã nghe báo cáo quốc gia năm 2020 về tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và đánh giá khả năng hoàn thành đến năm 2030.

Theo kết quả phân tích, đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt được 5 trong số 17 nhóm mục tiêu phát triển vững, bao gồm: Mục tiêu 1 (xóa nghèo); mục tiêu 2 (xóa đói); mục tiêu 4 (giáo dục có chất lượng); mục tiêu 13 (các hành động bảo vệ khí hậu); mục tiêu 17 (quan hệ đối tác toàn cầu).

Cùng với đó, 10 nhóm mục tiêu gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành vào năm 2030, bao gồm: Sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; bình đẳng giới; nước sạch và vệ sinh; năng lượng sạch và giá cả hợp lý; tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; giảm bất bình đẳng xã hội; thành phố và cộng đồng bền vững; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học; hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh. Hai nhóm mục tiêu rất khó hoàn thành, bao gồm: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển.

[Bắt tay vào việc ngay để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025]

Phân tích dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn trong giai đoạn 2015-2020, nhiều mục tiêu phát triển bền vững sẽ gặp khó khăn, thách thức hoặc rất khó đạt được vào năm 2030. Trong khi đó, thực trạng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước còn bộc lộ nhiều vấn đề chưa bền vững như: Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn; chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, đặc biệt là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số con sông.

Trong khi đó, hệ thống cơ chế, chính sách đã dần hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững nhưng vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến sự đồng bộ và thực thi hiệu quả các chính sách đã ban hành.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng đến năm 2025, chương trình hành động về phát triển bền vững cần tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi; tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả.

Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, Việt Nam sẽ tăng cường khả năng chống chịu trước các rủi ro bất định do biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; nâng cao nhận thức nhằm tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội cùng nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030; tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò, vị thế quốc gia.

Nâng cao nhận thức xã hội để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững ảnh 1Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đánh giá, chương trình phát triển bền vững do Liên hợp quốc phát động vào tháng 9/2015 nhận được sự tham gia hưởng ứng của tất cả các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nêu 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, bao gồm 158 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhận định các tiêu chí phát triển bền vững phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; do đó Việt Nam tham gia tích cực ngay từ những ngày đầu phát động. Từ vị trí thứ 88 vào năm 2015, đến năm 2020, Liên hợp quốc xếp hạng Việt Nam đứng thứ 49 về chỉ số phát triển bền vững của các quốc gia, các nền kinh tế. Kết quả phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian qua được Liên hợp quốc đánh giá cao và trở thành một trong những quốc gia được kỳ vọng nhiều nhất thực hiện các mục tiêu.

Các ý kiến thống nhất việc thứ hạng xếp loại tăng cao trong 5 năm qua là do có sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ban, ngành, địa phương cũng như sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Với thế mạnh chú trọng đến yếu tố con người, mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam hướng đến giá trị tốt đẹp, giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc, đồng lòng xây dựng một xã hội đùm bọc, tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Do đó, Việt Nam thực hiện tốt các mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia kiến tạo hòa bình và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các thành viên Hội đồng thống nhất Việt Nam không điều chỉnh nội dung, quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trên cơ sở thống nhất triển khai tiêu chí đến cấp địa phương, Hội đồng đồng tình giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện bộ công cụ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát thực hiện các tiêu chí phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các ý kiến thống nhất trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục thúc đẩy nhận thức của các doanh nghiệp không chỉ tuân thủ pháp luật và chính sách của Nhà nước, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục