Ngày 11/6, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức tọa đàm "Kết hôn có yếu tố nước ngoài, nguyên nhân và thực trạng."
Trong những năm gần đây, chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước đã giúp đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Cùng với đó, các quan hệ về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài phát sinh ngày càng nhiều.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến cuối năm 2014, cả nước có hơn 50.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc kết hôn với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; tính riêng khu vực phía Nam có gần 38.500 trường hợp (chiếm 76%).
Hằng năm, trên địa bàn khu vực có trên 9.000 trường hợp đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp các tỉnh và bình quân 3.000 trường hợp ghi chú kết hôn/năm. Trong đó, khoảng 80% là phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc kết hôn với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan, Hàn Quốc.
Hiện tượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1989 và tăng nhanh tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó giảm mạnh tại Thành phố này nhưng lại lan rộng ra các tỉnh, thành phố phía Nam như Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang... Việc kết hôn của phụ nữ Việt Nam với người Hàn Quốc chỉ mới xuất hiện từ năm 2000 song đã tăng nhanh về số lượng từ năm 2003 đến nay.
Kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài diễn ra không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực; chủ yếu tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, buổi tọa đàm là cơ hội để các đại biểu trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, có hiệu quả trong thực tiễn giải quyết những trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại địa phương; đồng thời đề xuất, kiến nghị những cách làm hay, có hiệu quả, cũng như những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc triển khai các qui định về kết hôn có yếu tố nước ngoài ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành.
Tại đây, các đại biểu cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về tình hình triển khai các qui định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kết hôn có yếu tố nước ngoài như Luật Hôn nhân và Gia đình, Nghị định 126/2014/NĐ-CP; chất lượng nhân sự làm công tác đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; những cải cách thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, những cách làm hay, sáng tạo của địa phương. Đồng thời, các đại biểu trao đổi về việc nâng cao chất lượng Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; công tác phỏng vấn kết hôn, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để công dân Việt Nam đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; hiệu quả chương trình hỗ trợ kết hôn đang được triển khai tại một số địa phương trong khu vực và những hệ lụy khi công dân Việt Nam không hạnh phúc trở về Việt Nam sinh sống...
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ; đặc biệt là việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo cuộc sống cho những phụ nữ còn khó khăn, phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những người bị buôn bán hoặc do hôn nhân bất hạnh trở về quê sinh sống.
Đồng thời, các cấp, các ngành cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài; sửa đổi, bổ sung quy định giải quyết xung đột pháp luật về hình thức kết hôn có yếu tố nước ngoài, bảo đảm ngăn chặn có hiệu quả các tiêu cực trong quá trình kết hôn với người nước ngoài; đẩy mạnh việc ký kết Hiệp định tương trợ Tư pháp với các nước có nhiều người Việt Nam sinh sống./.