Nâng cao nhận thức áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ vào kinh doanh thể thao

Chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2019 nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về một khía cạnh hoàn toàn mới trong việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ vào ngành kinh doanh thể thao.
(Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN)

Hướng tới Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2019: “Vươn tới Giải Vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao” đã đưa ra một góc nhìn cận cảnh hơn trong lĩnh vực thể thao, tập trung vào việc phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về một khía cạnh hoàn toàn mới trong việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ vào ngành kinh doanh thể thao.

Từ đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thể thao có thể sáng tạo, phát triển và tăng trưởng tốt hơn.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có cuộc trao đổi với ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về chủ đề này.

- Xin ông cho biết ý nghĩa của việc tổ chức hoạt động nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới?

Ông Phan Ngân Sơn: Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (World Intellectual Property Day - viết tắt là IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định ngày 26/4 hàng năm - ngày mà Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970 - là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới.

Việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới nhằm nâng cao nhận thức về đổi mới, sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng, xã hội; đồng thời tạo động lực cho việc sáng tạo của các cá nhân, tổ chức, qua đó thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ hiệu quả sự phát triển cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.

Hàng năm, nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, WIPO đều đưa ra một chủ đề để cộng đồng sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới, có thể là các hoạt động chào mừng, có thể tuyên truyền vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội ở mỗi quốc gia.

Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2019 là “Vươn tới Giải Vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao” đề cao việc khai thác tài sản trí tuệ trong thể thao nói riêng và các lĩnh vực hoạt động khác nói chung tại Việt Nam và thế giới; khẳng định đằng sau những thành công trong thể thao đều có sự góp mặt của các yếu tố liên quan đến sở hữu trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả và quyền liên quan…

- Thể thao có vai trò quan trọng trong đời sống, tuy nhiên tỷ lệ đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thể thao Việt Nam còn khá khiêm tốn, ông đánh giá thế nào về việc này? Theo ông, cần có những giải pháp gì để gia tăng tỷ lệ đơn trong lĩnh vực này?

Ông Phan Ngân Sơn: Đúng là tỷ lệ đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tượng liên quan đến thể thao còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.

Điều này phản ánh các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng chỉ mới phần nào gọi là quan tâm đến việc gắn kết giữa nghiên cứu phát triển và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu phát triển chứ chưa thực sự đầu tư mạnh mẽ.

Các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thể thao cũng chỉ mới tập trung vào nhãn hiệu là chính.

Hiện nay có 1.897 doanh nghiệp đăng ký 2.622 nhãn hiệu trong lĩnh vực thể thao, nhưng sáng chế trong vòng 10 năm trở lại đây mới chỉ có 12 và kiểu dáng công nghiệp là 83 của 14 doanh nghiệp đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Điều này thể hiện số lượng đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực thể thao còn ít và đây cũng là mảnh đất, dư địa lớn cho việc phát triển các sản phẩm tạo ra các công cụ, phương tiện trong hoạt động thể dục thể thao.

Để tỷ lệ đăng ký sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thể thao tăng lên, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang tiến hành nhiều biện pháp như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời tăng cường các hoạt động thực thi chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ tập trung tạo ra các chính sách hỗ trợ các tổ chức và cá nhân Việt Nam trong việc đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng có liên quan đến thể thao.

- Việc tạo ra các sáng chế, giải pháp cải tiến các dụng cụ thể thao sẽ mang lại những lợi ích như thế nào cho người sử dụng và giá trị gì cho doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Phan Ngân Sơn: Có thể khẳng định, thể thao luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp cân bằng cuộc sống và mang lại sức khỏe cho mọi người trong cuộc sống. Các sáng chế, giải pháp cải tiến dụng cụ thể thao sẽ mang lại sự tiện lợi hơn cho người sử dụng, giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc tập luyện, thi đấu và góp phần đem lại thành tích thể thao cao hơn…

[Giới trẻ xếp hình sao năm cánh hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới]

Đối với các doanh nghiệp, việc thương mại hóa các giải pháp được bảo hộ độc quyền sáng chế hay giải pháp hữu ích giúp mang lại lợi nhuận cao, bởi để đáp ứng nhu cầu thể dục thể thao của người dân thì số lượng, công cụ, phương tiện thể dục thể thao sản xuất ra hàng năm rất lớn, nên các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc bảo hộ các đối tượng liên quan đến thể dục thể thao. Điều này khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ đối với việc tạo ra giá trị kinh tế trong lĩnh vực thể thao rất rõ ràng.

Các doanh nghiệp có thể thu lợi từ việc bán máy móc, dụng cụ được bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, các khoản thu từ quảng cáo, chương trình phát sóng các sự kiện thể thao trên tivi, đài, báo, mạng xã hội, Youtube…

Ngoài ra, các đội bóng như bóng đá, bóng rổ hay các vận động viên cũng nhận được rất nhiều hợp đồng tài trợ khi mang trên mình nhãn hiệu thể thao của các hãng khi thi đấu.

- Là lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống, vậy vấn đề phòng, tránh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ có những giải pháp, chế tài đặc biệt gì, thưa ông?

Ông Phan Ngân Sơn: Hiện nay, nhằm hạn chế các vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và tăng tỷ lệ đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức qua các chương trình truyền hình, báo đài, các sự kiện…; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng khác như thanh tra Bộ, Quản lý thị trường tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên.

Đồng thời, Cục Sở hữu trí tuệ cũng có nhiều hoạt động hợp tác với các cơ quan quốc tế hay quốc gia khác để phối hợp trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Trước mắt, để giảm thiểu tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ở góc độ doanh nghiệp cần lưu ý là chính doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, là nhân tố có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ kịp thời; quản lý, giám sát tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp do doanh nghiệp sản xuất ra trên thị trường để có những biện pháp bảo vệ thích hợp; phối hợp với các cơ quan thực thi khi được yêu cầu; tạo cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng để chính người tiêu dùng có thể là người phát hiện hàng giả, hàng nhái và bài trừ hàng giả, hàng nhái…

Về lâu dài, cần nâng cao năng lực xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan thực thi quyền và đưa sở hữu trí tuệ trở thành nội dung giảng dạy chính thức trong hệ thống giáo dục để hình thành văn hóa đổi mới, sáng tạo và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội.

- Cục Sở hữu trí tuệ có những hỗ trợ gì cho lĩnh vực thể thao trong việc đăng ký sáng chế so với các lĩnh vực khác, thưa ông?

Ông Phan Ngân Sơn: Thực tế, số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thể thao trong các năm qua không nhiều. Nhà nước cũng chưa có chính sách cụ thể đối với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ riêng cho thể thao.

Tuy nhiên, nằm trong chính sách chung với tất cả các lĩnh vực; trong đó thể thao có khá nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ như Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, trong đó hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí để đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích hay hỗ trợ kinh phí để áp dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ của người Việt Nam vào thực tiễn.

Cục Sở hữu trí tuệ hiện đang phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tạo ra mạng lưới IPHub - Mạng lưới kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong việc tìm kiếm thông tin sáng chế, đăng ký sáng chế và thương mại hóa các sáng chế được bảo hộ trên phạm vi cả nước.

Để đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần nâng cao giá trị quyền sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai một số giải pháp quản lý mới như triển khai xây dựng hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp điện tử theo chuẩn quốc tế có tên gọi là WIPO-IPAS.

Hệ thống này đang được xây dựng từng phần, xong phần nào vận hành ngay phần đó, dự kiến quý 1/2021 sẽ hoàn thành, góp phần nâng cao năng lực xử lý đơn đăng ký xác lập quyền; đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam có thể tích hợp dữ liệu sở hữu công nghiệp với các hệ thống dữ liệu quốc tế, thuận lợi cho việc trao đổi thông tin sở hữu công nghiệp.

Song song với đó, Cục Sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện hệ thống nộp đơn điện tử cấp độ 4, đáp ứng yêu cầu đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời nâng cấp hệ thống tra cứu phục vụ thẩm định đơn sở hữu công nghiệp để tăng cường năng lực xử lý đơn.

Trân trọng cảm ơn Ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục