Trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu bị mất thị trường, thiệt hại hàng tỷ đồng vì tác động của dịch COVID-19, đứt gãy nguồn cung..., xuất khẩu các sản phẩm sắt thép vẫn giữ mức tăng trưởng khá.
Ngành thép cũng là ngành duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu tốt trong những năm qua. Chính vì vậy, đây cũng là ngành đang chiếm tới 40% trong tổng số các vụ việc kiện phòng vệ thương mại.
Nhiều ý kiến cho rằng với tăng trưởng xuất khẩu và những rủi ro về kiện phòng vệ thương mại, để vượt qua những trở ngại này đòi hỏi sự chủ động mạnh mẽ từ chính doanh nghiệp.
“Top” đầu về kiện phòng vệ
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong quý 1 năm nay, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 2,92 triệu tấn, với trị giá hơn 2 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới; trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc.... Con số này đã tăng 47,03% về lượng và tăng 85,08% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính vì tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu, nên ngành thép luôn là tâm điểm của những vụ việc kiện phòng về thương mại từ các thị trường nhiều năm qua.
Số liệu từ Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay cho đến hết quý 1 vừa qua, đã có khoảng 200 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019. Tính đến nay, sản phẩm thép vẫn là sản phẩm thuộc đối tượng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất, chiếm khoảng 40% các vụ việc.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến nay, ngành thép Việt Nam đã phải hứng chịu gần 70 vụ việc kiện nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là kiện chống bán phá giá 36 vụ và kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ... Còn lại là kiện chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp...
[Bộ Tài chính: Giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với thép cần cân nhắc]
Ngay trong quý 1 năm nay, Việt Nam cũng “dính” kiện liên quan đến thép như Malaysia ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia. Theo đó, mức thuế áp dụng với hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 7,81% đến 23,84%.
Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại nói chung và với ngành thép nói riêng, theo ông Nghiêm Xuân Đa là do xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian vừa qua.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương cũng cho rằng mặt hàng thép có truyền thống bị khởi kiện không phải mới xuất hiện những năm gần đây. Nguyên nhân là do các nước đều có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa trong khi thép là ngành công nghiệp cơ bản. Thép cũng là đầu vào của nhiều ngành khác nhau, cho nên khi khởi kiện, áp thuế cho sản phẩm thép tức là gián tiếp bảo hộ ngành hạ nguồn.
Ngoài ra, thương hiệu thép Việt Nam tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau với việc tăng trưởng dương hàng năm… Điều này càng làm gia tăng nguy cơ bị khiếu kiện phòng vệ thương mại...
Chủ động để thắng kiện
Những năm trước đây, đứng trước mỗi vụ kiện phòng vệ, số các doanh nghiệp có thể thắng kiện là không nhiều. Tuy nhiên, trải qua nhiều vụ kiện phòng vệ, có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đã tự tích lũy cho mình những kinh nghiệm để ứng phó.
Thép Hòa Phát là đơn vị phòng tránh khá tốt nhờ chủ động phối hợp và chứng minh xuất xứ, năng lực cạnh tranh của mình. Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động phối hợp với cơ quan điều tra trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu, phản biện các lập luận của nguyên đơn...
Do vậy, tập đoàn này không bị áp thuế khi xuất khẩu sang EU hay phía Australia tuyên bố thép Hòa Phát không bán phá giá thép cuộn sang thị trường này là những minh chứng rõ nét khi doanh nghiệp chủ động hợp tác giải quyết vấn đề, đại diện Hòa Phát cho hay.
Ngoài việc phối hợp trong các vụ kiện, ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho rằng chủ động áp dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, rõ ràng về xuất xứ cũng là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. Hòa Phát sẽ sở hữu chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ quặng sản xuất thép cán nóng đến sản phẩm tôn thép và phân phối. Điều này giúp tập đoàn nâng năng lực cạnh tranh và giảm thiểu việc “dính” tới những cáo buộc lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, xu hướng phòng vệ thương mại từ các nước vẫn sẽ tiếp tục diễn biến. Việc các nước áp dụng các biện pháp bảo hộ gây khó khăn cho xuất khẩu của ngành thép. Do vậy, để ứng phó, Tôn Đông Á đã tập trung đầu tư công nghệ để sản xuất ra sản phẩm thép có chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, hạn chế việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước.
Ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng sự chủ động của doanh nghiệp là rất quan trọng, Ngoài chủ động trong nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp có kế hoạch chủ động tìm hiểu quy định, thủ tục các thị trường xuất khẩu lớn, từ đó phòng ngừa và xử lý kiện phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược xuất khẩu.
Bằng sự phối hợp của các doanh nghiệp, cơ quan bộ, ngành, Việt Nam cũng đã tránh được nhiều vụ việc, như mới đây, Australia ban hành kết luận điều tra sơ bộ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm dây đai thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam. Theo đó, kết luận chỉ rõ, Chính phủ Việt Nam không tác động vào thị trường nguyên liệu để doanh nghiệp xuất khẩu bán phá giá... Đây cũng được coi là một kết quả khích lệ cho các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, ông Nghiêm Xuân Đa nói.
Cùng quan điểm với ông Nghiêm Xuân Đa, ông Lê Triệu Dũng cho rằng trong quá trình có vụ kiện phòng vệ thương mại xảy ra, quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chủ động tham gia, xử lý. Sự hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội Thép Việt Nam khi xảy ra vụ việc vô cùng quan trọng để đáp ứng đúng quy định của nước nhập khẩu, kịp thời có ý kiến để bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời xem xét khả năng khiếu nại ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cục Phòng vệ Thương mại cũng đưa ra khuyến nghị, doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi với bạn hàng nhập khẩu, đặc biệt là về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại…/.
Bài 1: Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại: Chủ động để bảo vệ quyền lợi