Chương trình Đánh giá Năng lực (CEPPP) cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc của Nhóm Chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì tổ chức là một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Trong Chương trình, ba thành phần Quan sát viên quân sự, Công binh và Quân y đã tham gia các hoạt động diễn tập tích hợp nhằm nâng cao năng lực ứng phó tình huống cho các lực lượng tham gia.
Ngày 20/9, tại thao trường tham quan CEPPP, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo CEPPP 2023 đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh mục đích, yêu cầu và kết quả đạt được của hoạt động lần này.
- Với những hoạt động thực hành phong phú có sự tham gia của các nước thành viên ADMM+, Chương trình Đánh giá Năng lực lần này có ý nghĩa như thế nào, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn: Chương trình Đánh giá Năng lực cho lực lượng chuẩn bị tham gia lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc của Nhóm chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Chu kỳ 4 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) năm 2023 là sự kiện cuối cùng trong Chu kỳ 4 (2021-2023) do Việt Nam là nước chủ nhà đồng chủ trì với Nhật Bản.
Chương trình nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong việc chuẩn bị và tham gia làm nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc. Đồng thời, đây là cơ hội để Việt Nam cùng với Nhật Bản, các quốc gia thành viên ADMM+ nâng cao khả năng, năng lực, sự phối hợp, hiệp đồng trong quá trình chuẩn bị và tham gia làm nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.
Thông qua chương trình này, Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước thành viên trong ADMM+, đặc biệt là quan hệ song phương với nước đồng chủ trì Nhật Bản, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
Chúng ta và các nước thành viên ADMM+ đã có dịp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tham gia Gìn giữ Hòa bình, với những hoạt động của ba lực lượng chính là Quan sát viên quân sự, các đơn vị Công binh, đơn vị Quân y cấp chiến thuật.
[Lực lượng Gìn giữ Hòa bình diễn tập ứng phó với tình huống khẩn cấp]
Một nội dung nữa rất quan trọng là chúng ta tiếp tục khẳng định, phát huy được tính hiệu quả của cơ chế hợp tác đa phương trong khuôn khổ ADMM+, trong đó các nước ASEAN đóng vai trò trung tâm, cho thấy cơ chế này mang lại lợi ích thiết thực, đóng góp vào sự hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới, góp phần giúp Việt Nam và các nước đối tác hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ tham gia Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc trong thời gian tới.
- Thượng tướng có đánh giá như thế nào qua quá trình quan sát lực lượng Gìn giữ Hòa bình các nước ADMM+ thực hành diễn tập tích hợp trong khuôn khổ CEPPP 2023?
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn: Rõ ràng bạn bè quốc tế đã thấy được năng lực, khả năng thực hiện nhiệm vụ tham gia Gìn giữ Hòa bình của chúng ta rất tốt, khả năng phối hợp hoạt động cũng rất tốt. Tinh thần đoàn kết của các quân nhân Việt Nam với các đối tác, cụ thể ở đây là các chuyên gia, quan sát viên, học viên của 18 nước ADMM+ trong thời gian qua tiếp tục được phát huy và khẳng định.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong hơn 1 tháng qua, sự vào cuộc ở cấp cao, sự quan tâm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, sự kiện lần này đã trở thành tâm điểm trong các chuỗi hoạt động của Chu kỳ 4 từ năm 2021 đến nay.
Đồng thời, hoạt động cũng nhận được sự quan tâm và thu hút các nước thành viên ADMM+ tham gia; thậm chí các nước không nằm trong khuôn khổ ADMM+ cũng đăng ký đến tham quan. Đây là điều chưa từng có ở những sự kiện trước đây. Hoạt động đã thành công rực rỡ, đáp ứng được sự kỳ vọng của lãnh đạo hai nước đồng chủ trì, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản và những yêu cầu đặt ra của các nước ADMM+.
Nhân đây, tôi xin cảm ơn các bạn đồng chủ trì Nhật Bản. Phía Nhật Bản đã cử lực lượng chuyên gia rất có kinh nghiệm, chuyên nghiệp và có tính kỷ luật cao, phối hợp chặt chẽ với các quân nhân của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị.
Xuất phát từ mục đích của Chương trình, các quân nhân Việt Nam khi tham gia đều phải phát huy cao nhất tính kỷ luật của Quân đội Nhân dân Việt Nam, lan tỏa được nét đẹp của văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, nhất là trong công tác thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình và phát huy kết quả trong thời gian huấn luyện để xử trí các vấn đề về chuyên môn, ví dụ như kỹ thuật bảo đảm chiến đấu, bảo đảm công binh, kỹ thuật về quân y, băng bó cấp cứu...
Thông qua diễn tập tích hợp cho thấy chúng ta đã làm rất tốt về vấn đề kỹ thuật, phối hợp về chiến thuật cũng rất tốt. Đó là kết quả của quá trình học tập trên giảng đường, quá trình huấn luyện kỹ năng và khả năng ứng phó, xử trí tình huống tích hợp của ba lực lượng: Quan sát viên, đơn vị Công binh, đơn vị Quân y cấp chiến thuật, cùng Tổ bay cấp cứu của lực lượng không quân Việt Nam. Chúng ta đã thực hiện rất tuyệt vời, bạn bè quốc tế cũng ghi nhận điều đó.
Ý nghĩa đạt được của Chương trình lần này rất lớn, góp phần tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn là nước có vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia Gìn giữ Hòa bình nói chung và Gìn giữ Hòa bình trong khuôn khổ các nước ADMM+ nói riêng.
- Thưa Thượng tướng, để đạt được những kết quả nổi bật tại CEPPP 2023, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có sự chỉ đạo như thế nào đối với công tác lên kế hoạch tổ chức?
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn: Đối với sự kiện lần này, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu dành sự quan tâm đặc biệt. Không những chúng ta làm tốt về công tác chuyên môn, các nội dung trong chương trình hành động mà thông qua đó còn lồng ghép nội dung giới thiệu với các nước thành viên ADMM+ về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và vẻ đẹp quân nhân của Bộ đội Cụ Hồ Việt Nam. Qua đó, bạn bè quốc tế có cơ hội hiểu rõ hơn và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trong ADMM+.
Để tổ chức tốt chương trình này, yêu cầu của Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng đặt ra cho Ban Chỉ đạo CEPPP 2023 là phải phối hợp thật tốt với nước đồng chủ trì Nhật Bản, với các quốc gia trong ADMM+, bởi cơ chế hoạt động của ADMM+ là cơ chế hoạt động đa phương, do đó phải tạo được sự đồng thuận của các quốc gia, đặc biệt là phát huy vai trò trung tâm của các nước ASEAN. Công tác chuẩn bị đã được đặt lên hàng đầu, nghiên cứu và lên kế hoạch toàn diện, chu đáo, tỉ mỉ trên tất cả các phương diện.
Các quân nhân đến từ các quốc gia khác nhau nên nhu cầu làm việc, sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo... khác nhau, vì vậy đòi hỏi từ công tác giao thiệp, lễ tân, đảm bảo ăn, ở... cho các đại biểu cần rất đa dạng, song chúng ta đã làm được.
Đặc biệt, một yêu cầu được tập trung rất cao và có sự vào cuộc của các cơ quan trong Ban Chỉ đạo, cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục và các quân binh chủng, đó là làm thế nào để tái hiện địa bàn tập luyện sát với địa bàn nơi chúng ta làm việc ở các phái bộ.
Tuy nhiên, với những nỗ lực trong công tác chuẩn bị, từ phòng học, giảng đường cho đến chuẩn bị thao trường, bãi tập của chúng ta đã được xây dựng thực sự sát với địa bàn phái bộ, sát với tình hình khó khăn gian khổ ở địa bàn mà hiện nay chúng ta đang làm nhiệm vụ. Vấn đề về xung đột sắc tộc, về xâm hại tình dục... và những khó khăn trong cuộc sống của nhân dân tại địa bàn đều được đặt ra trong kịch bản lần này.
Ngay từ sau khi nghe báo cáo về công tác chuẩn bị, về kịch bản và các nội dung đưa ra trong Chương trình đánh giá năng lực lần này, nước đồng chủ trì Nhật Bản và các quốc gia thành viên ADMM+ đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của chủ nhà Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!./.