Nâng cao năng lực cho 10.000 nhân viên y tế điều trị bệnh tim mạch

Những hiệu quả từ Dự án Sức khỏe Tim mạch cộng đồng sẽ giúp đẩy nhanh khả năng của hệ thống chăm sóc sức khỏe để ứng phó các vấn đề từ dân số già hóa hiện nay.
Nâng cao năng lực cho 10.000 nhân viên y tế điều trị bệnh tim mạch ảnh 1Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam phát biểu tại buổi ký kết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Việt Nam, sự thay đổi nhân khẩu học hướng tới dân số già hơn hiện nay sẽ đi kèm với sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ mắc bệnh tim mạch. Bệnh tim mạch là bệnh được chẩn đoán thường xuyên nhất cũng như là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi.

Do đó, việc cập nhật kiến thức, phương thức điều trị để tối ưu hóa việc chăm sóc sức khỏe hiện tại và tương lai cho các chuyên gia y tế là vô cùng cần thiết.

Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại buổi lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án “Sức khỏe Tim mạch cộng đồng” trong giai đoạn 2023-2025, giữa Hội Tim Mạch học Việt Nam và Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) diễn ra ngày 26/4 tại Hà Nội.

[Tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam]

Dự kiến triển khai trong 3 năm, dự án “Sức khỏe Tim mạch cộng đồng” được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực của khoảng 10.000 nhân viên y tế trên toàn quốc trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân cao tuổi.

Mục đích chính của dự án nhằm nâng cao năng lực của nhân viên y tế trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân cao tuổi, thông qua sự phối hợp liên chuyên khoa và sử dụng thuốc chống đông hiệu quả, đặc biệt trong bệnh cảnh rung nhĩ và thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Với tỷ lệ dân số già tăng nhanh trong giai đoạn 2009-2019 (từ 8,68% lên 11,86%), dự kiến đạt mức 16,5% vào năm 2029, Việt Nam có thể xem là sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2036. Một trong những thách thức nổi cộm về mặt y tế là bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi vốn đã phổ biến và thường có sự xuất hiện của nhiều bệnh đồng mắc như rung nhĩ kèm suy tim, rung nhĩ kèm suy thận, đặc biệt là đột quỵ.

Nâng cao năng lực cho 10.000 nhân viên y tế điều trị bệnh tim mạch ảnh 2Đại diện Hội Tim Mạch học Việt Nam và Pfizer ký kết hợp tác triển khai Dự án Sức khỏe Tim mạch cộng đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đáng lưu ý, bệnh lý tim mạch ở người lớn tuổi ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, có nguy cơ tử vong cao và là một gánh nặng kinh tế đáng kể cho cả cá nhân lẫn xã hội.

Do vậy, sau lễ ký kết này hai bên sẽ tạo ra những hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực và bền vững hơn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.

Ông Darrell Oh - Tổng Giám đốc Pfizer Việt Nam cho biết đơn vị này đã đồng hành cùng Việt Nam trong nhiều năm nhằm hỗ trợ giải quyết những thách thức từ gánh nặng bệnh tim mạch. Các chương trình nâng cao năng lực về quản lý bệnh tim mạch cũng như ứng dụng thuốc chống đông trong điều trị bệnh hiệu quả không chỉ giúp cải thiện chất lượng sức khỏe cho người cao tuổi, mà còn góp phần củng cố hệ thống y tế tại Việt Nam. Những hiệu quả từ dự án sẽ giúp đẩy nhanh khả năng của hệ thống chăm sóc sức khỏe để ứng phó các vấn đề từ dân số già hóa hiện nay.

Dự án Sức khỏe Tim mạch cộng đồng sẽ tài trợ công tác cập nhật thông tin khoa học và đào tạo cho cán bộ y tế trên phạm vi toàn quốc thông qua nhiều hoạt động như chuỗi đào tạo trực tuyến, bản tin y khoa thực hành hằng tháng và khóa tập huấn thực hành chuyên sâu.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục