Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo và cảnh báo thiên tai

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai mặc dù được cải thiện song chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường.
Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo và cảnh báo thiên tai ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

"Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận, chất lượng dự báo thời tiết, thiên tai được cải thiện rõ rệt với mức độ chính xác hơn, sát thực tế hơn và thường xuyên cập nhật để kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó, góp phần giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội."

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy tại hội nghị trực tuyến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mới diễn ra.

Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo

Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư đã chỉ ra việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai thời gian qua còn nhiều hạn chế. Công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ, khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai còn nhiều bất cập.

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai mặc dù được cải thiện song chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là mật độ các trạm đo mưa, mực nước còn quá mỏng, mức độ tự động hóa thấp; việc theo dõi dòng chảy trên các hệ thống sông liên quốc gia còn hạn chế.

Ngành khí tượng thủy văn từng bước nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo; hiện đại hóa mô hình, công nghệ dự báo; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nhất là các trạm đo mưa, trong đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thuê dịch vụ quan trắc.

Ngành đầu tư nâng cấp khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua tập huấn, đào tạo, diễn tập.

[Thủ tướng: Xây dựng phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai]

Ngay từ tháng 7-8/2019, công tác dự báo thiên tai năm 2020 đã được dự báo chính xác cả về phạm vi, cấp độ. Đó là dự báo nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp các tỉnh trong khu vực sớm triển khai việc chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp phù hợp, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Tại hội nghị trực tuyến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã làm tốt công tác tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, chính xác hơn, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai.

Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các chính sách huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đầu tư hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong giám sát, dự báo thiên tai phục vụ tham mưu, chỉ đạo điều hành theo thời gian thực; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực

Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác hơn, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó được hiệu quả như: nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo; hiện đại hóa mô hình, công nghệ dự báo; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nhất là các trạm đo mưa, trong đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thuê dịch vụ quan trắc...

Các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt quan điểm phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội, không có thời điểm kết thúc.

Công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nên cần được mỗi cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức đầy đủ, mỗi người dân và xã hội quan tâm, thực hiện chủ động theo phương châm quản lý rủi ro, lấy phòng ngừa làm chính, chủ động từ cấp cơ sở (cấp xã, huyện, tỉnh) để giảm thiểu thiệt hại.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn xây dựng Chương trình nghiên cứu cơ bản về dự báo, cảnh báo thiên tai; rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là các sông xuyên biên giới.

Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo và cảnh báo thiên tai ảnh 2Lực lượng chức năng huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai giúp nhân dân địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế chia sẻ thông tin về khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới; nâng cao chất lượng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam, làm cơ sở cho việc quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, sơ tán, di dời dân cư khỏi vùng thiên tai.

Theo giáo sư, tiến sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái, thực tế nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế, quy mô tăng trưởng, phát triển kinh tế của quốc gia đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác khí tượng thủy văn.

Để công tác khí tượng thủy văn phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống thiên tai, Tổng cục Khí tượng Thủy văn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin số liệu về cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển kinh tế-xã hội để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất.

Bên cạnh việc nắm bắt thêm thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư, các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội có tác động tới điều kiện khí tượng thủy văn cần xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khí tượng thủy văn.

Qua đó, Chính phủ có thể cho phép mở rộng quy mô, phương thức và loại hình xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn như đầu tư trạm quan trắc, thu hút tư nhân tham gia dự báo khí tượng thủy văn; thí điểm hợp tác công tư để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của ngành khí tượng thủy văn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục