Nâng cao năng lực cảnh báo sớm, quản lý rủi ro cho tài chính Việt Nam

Những năm qua, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn về điều phối, giám sát thị trường tài chính; chú trọng mở rộng quan hệ với các cơ quan hợp tác quốc tế.
Nâng cao năng lực cảnh báo sớm, quản lý rủi ro cho tài chính Việt Nam ảnh 1Các đại biểu ấn nút Khởi động Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam.” (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Ngày 15/6, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ khởi động dự án nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam.

Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ (ODA không hoàn lại) thông qua Văn phòng KOICA tại Việt Nam. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là cơ quan chủ quản, đại diện chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm trước tiên trong việc hợp tác và điều phối giữa các cơ quan Chính phủ Việt Nam.

Đối tượng thụ hưởng trực tiếp là các cơ quan quản lý và giám sát tài chính của Việt Nam, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 5 năm (2021- 2025).

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết dự án này sẽ hỗ trợ Ủy ban xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm chung cho thị trường tài chính Việt Nam. Qua đó, giúp cán bộ của Ủy ban phát hiện những rủi ro trong hệ thống tài chính Việt Nam nói chung và các định chế tài chính nói riêng.

Trên cơ sở đó, kịp thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về biện pháp quản lý, giám sát phòng ngừa, đảm bảo an toàn hệ thống; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Ủy ban và các cơ quan đồng thụ hưởng dự án.

[Tác động từ chính sách của Fed với thị trường tài chính Việt Nam]

“Việc thực hiện thành công dự án cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả các định chế tài chính và công ty nước ngoài, bao gồm các định chế tài chính và công ty Hàn Quốc đang hoạt động hoặc có hoạt động tại Việt Nam, do hiện nay số lượng các định chế tài chính nước ngoài (bao gồm các định chế tài chính của Hàn Quốc) tham gia thị trường tài chính Việt Nam dang tăng lên nhanh chóng,” ông Vũ Như Thăng nhấn mạnh.

Mục tiêu tổng thể của dự án là phát hiện sớm nguy cơ, rủi ro và có phương án ứng phó với những bất ổn của khu vực tài chính của Việt Nam (ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm), qua đó góp phần đảm bảo sự ổn định của khu vực này và hỗ trợ mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Việt Nam. Dự án cũng là hành động cụ thể, thiết thực góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác-hữu nghị giữa Việt Nam-Hàn Quốc nói chung; giữa Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia với KOICA và Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc nói riêng.

Mục tiêu cụ thể của dự án là xây dựng các công cụ cảnh báo sớm khu vực tài chính, bao gồm bộ chỉ tiêu giám sát, mô hình cảnh báo sớm và mô hình thử sức căng; nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý và giám sát tài chính trong giám sát cân trọng khu vực tài chính, góp phân thúc đẩy thị trường tài chính cũng như như nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định.

Dự án cũng bao gồm nội dung kỹ thuật lập trình cho các công cụ như: thiết kế bộ mã lập trình cho công cụ cảnh báo sớm; chạy thử chương trình cảnh báo sớm; bảo trì, chỉnh sửa bộ mã lập trình; đào tạo, hướng dẫn và chuyển giao công cụ cảnh báo sớm cho các cơ quan quản lý và giám sát tài chính.

Ông Cho Han Deog, Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam chia sẻ mục đích của dự án nhằm nâng cao năng lực giám sát thị trường tài chính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Ông đề nghị Ủy ban sẽ chủ động hợp tác, hỗ trợ, giành sự quan tâm đặc biệt và hướng dẫn để dự án được triển khai thành công tốt đẹp.

Trong những năm qua, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong giám sát chung thị trường tài chính quốc gia, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn về điều phối, giám sát thị trường tài chính. Đồng thời, chú trọng mở rộng quan hệ với các cơ quan hợp tác quốc tế, giám sát tài chính trên thế giới và trong khu vực nhằm học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia có bước phát triển đi trước; trong đó, có Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục