Ngày 15/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới” khu vực miền Nam.
Hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng vận động bầu cử cho các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, qua đó tăng cường tiếng nói và sự tham gia của nữ giới trong Quốc hội nói riêng và các cơ quan dân cử nói chung.
Tại hội thảo, các nữ ứng cử viên được cung cấp thông tin cơ bản về Quốc hội, tình hình kinh tế-xã hội, một số chính sách pháp luật kinh tế-xã hội và bình đẳng giới mà cử tri quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, thực hành các kỹ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động...
Đồng thời, các ứng cử viên được các đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội hướng dẫn về các kỹ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động, xây dựng hình ảnh xuất hiện trước các phương tiện truyền thông, tạo quan hệ với báo chí.
[Tăng cường tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội]
Chia sẻ về kinh nghiệm tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI cho rằng, nữ ứng cử viên cần trang bị cho mình sự tự tin và khả năng giao tiếp, thuyết phục, ứng biến trong vận động cử tri.
Thực tế cho thấy nhiều chị em còn rụt rè khi thực hiện vận động tranh cử hoặc lúng túng khi gặp những câu hỏi khó từ báo chí, cử tri.
Nhằm khắc phục vấn đề này, nữ ứng cử viên cần thu thập đầy đủ thông tin về tình hình địa phương nơi mình ứng cử để xây dựng chương trình hành động sát với thực tế; nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan; tự hoàn thiện các kỹ năng lắng nghe, giao tiếp, trình bày, thuyết phục của bản thân; nắm bắt những vấn đề cử tri đang quan tâm, thể hiện sự dễ gần và gắn bó với cử tri...
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu cũng lưu ý các nữ ứng cử viên chuẩn bị chương trình hành động thật rõ ràng, đúng trọng tâm trước khi tiếp xúc cử tri, tránh dàn trải; cần thận trọng, cân nhắc khi đưa ra lời hứa với cử tri, tránh “hứa suông,” “hứa nhiều” hơn khả năng có thể thực hiện.
Đặc biệt, nữ ứng cử viên không nên tỏ ra mệt mỏi, thờ ơ thiếu tập trung lắng nghe trong khi tiếp xúc cử tri hay tỏ thái độ mất bình tĩnh trong trường hợp cử tri chưa hiểu đúng về mình.
Trong việc tiếp xúc với báo chí, truyền thông, nhà báo Nguyễn Vĩnh Quyên, Phó Giám đốc Kênh truyền hình Quốc hội (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho biết, báo chí là nguồn cung cấp thông tin để các ứng cử viên nắm rõ tình hình địa phương, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời là phương tiện hữu hiệu để các ứng viên bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình đến công chúng.
Các ứng cử viên nên chủ động trong mối quan hệ với các nhà báo và cơ quan báo chí, coi đây là mối quan hệ hai chiều, cởi mở, thân thiện; cố gắng đáp ứng yêu cầu phỏng vấn của báo chí nhưng thận trọng khi trả lời, đối với các câu hỏi “nhạy cảm” có quyền từ chối đưa ra ý kiến...
Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, xác định bình đẳng giới là mục tiêu, nhân tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Việt Nam luôn quan tâm tới việc thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Thời gian qua, hiến pháp, hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đã tạo khung pháp lý để phụ nữ phát triển, tham gia hoạt động chính trị. Nhiều nữ đại biểu Quốc hội đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ, sự tận tụy trong công việc và có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Trong hoạt động lập pháp, các nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi văn bản pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV mới chỉ đạt 26,72%, còn tỷ lệ nữ Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 ở cả 3 cấp cũng chưa đạt chỉ tiêu 30% theo như mong muốn dù đều cao hơn khóa trước.
Theo bà Lê Thị Nguyệt, còn hơn một tháng nữa, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tỷ lệ nữ ứng cử viên phải bảo đảm tối thiểu 35%.
Để đạt được tỷ lệ này là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên bằng cách nâng cao kỹ năng vận động tranh cử, thuyết phục cử tri của bản thân.
Cuối buổi hội thảo, các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã được Ban tổ chức chia thành nhiều nhóm nhỏ để cùng thảo luận những băn khoăn, trăn trở trong quá trình vận động bầu cử của mỗi người, đồng thời chia sẻ các giải pháp hoàn thiện kỹ năng tranh cử.
Ý kiến của các ứng cử viên sẽ được tổng hợp theo nhóm và thuyết trình cho Ban tổ chức vào ngày 16/4 để nhận giải đáp và góp ý./.