Chiều 6/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021" làm việc với Bộ Xây dựng.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ trưởng tiếp công dân định kỳ mỗi tháng một ngày. Nếu ngày tiếp công dân định kỳ hàng tháng trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, việc tiếp công dân chuyển sang ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp Bộ trưởng đi công tác sẽ ủy quyền cho Thứ trưởng tiếp công dân thay. Trong kỳ báo cáo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã tiếp, đối thoại với 6 lượt/14 người/6 vụ việc; tiếp đột xuất 2 lượt/2 người/2 vụ việc.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, trong kỳ báo cáo, Bộ tiếp nhận 712 đơn khiếu nại, trong đó có 138 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ (về 76 vụ việc); 574 đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền. Trong số 76 vụ việc, đã giải quyết được 72 vụ việc, còn lại 4 vụ việc đang được giải quyết.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, Báo cáo của Bộ Xây dựng được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản bám sát đề cương theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Báo cáo đã phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trong 5 năm qua, cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021; chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Đồng thời, Báo cáo cũng thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Xây dựng trong việc chỉ đạo, khắc phục khó khăn, triển khai nhiều giải pháp; chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực Bộ quản lý trong thời gian qua.
[Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường]
Liên quan đến công tác tiếp công dân, các đại biểu kiến nghị Thanh tra Bộ cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đề xuất một số vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài để Bộ trưởng tiếp và có ý kiến chỉ đạo dứt điểm vụ việc.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhiều ý kiến cho rằng, các vụ việc cơ bản đã được Bộ Xây dựng giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật hiện hành về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Đối với các vụ việc kiến nghị, phản ánh có nội dung về tranh chấp quỹ bảo trì, quản lý vận hành nhà chung cư bức xúc, phức tạp, kéo dài, Thanh tra Bộ đã tổng hợp báo cáo Bộ trưởng để xây dựng Kế hoạch, trong đó đưa nội dung thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Qua đó, vừa nắm bắt có định hướng giải quyết dứt điểm vụ việc, vừa xác định những bất cập, tồn tại của quy định pháp luật trong lĩnh vực này để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đối với các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ, các đại biểu đề nghị Bộ xem xét, rà soát, khẩn trương ban hành Quyết định giải quyết, bảo đảm đúng quy định của pháp luật cả về nội dung, hình thức và thời hạn giải quyết.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận Bộ Xây dựng đã đánh giá khá toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm nội dung giám sát theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Xây dựng cần tiếp tục đánh giá kỹ hơn về công tác tiếp công dân, đặc biệt là hoạt động tiếp công dân của người đứng đầu để có kiến nghị rõ ràng, cụ thể hơn.
Đối với các lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo như xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản, cấp phép xây dựng, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị..., Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ phải nêu được các sai phạm điển hình và phổ biến dẫn đến khiếu nại, tố cáo và khiếu kiện đông người, phức tạp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một trong những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo thời gian qua là điều chỉnh quy hoạch của một số địa phương. Do đó, đề nghị Bộ phân tích, làm rõ để có quan điểm và kiến nghị sửa đổi pháp luật liên quan cho thống nhất.
Bộ Xây dựng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng các khu vực, địa bàn liên quan đến quốc phòng và an ninh; bổ sung danh mục đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật, phân tích sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân với các luật chuyên ngành mà Bộ đang quản lý để chuẩn bị cho việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần "từ sớm, từ xa" của Quốc hội./.