Nâng cao hiệu quả hợp tác trong ASEAN thiết thực, hiệu quả hơn

Cộng đồng ASEAN hình thành giúp tăng cường đoàn kết và liên kết chặt chẽ hơn trong khu vực, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác mới thiết thực, hiệu quả hơn giữa các nước thành viên.
Nâng cao hiệu quả hợp tác trong ASEAN thiết thực, hiệu quả hơn ảnh 1

Cộng đồng ASEAN hình thành vào ngày 31/12/2015 đã ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, qua đó tăng cường đoàn kết và liên kết chặt chẽ hơn trong khu vực, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác mới thiết thực, hiệu quả hơn giữa các nước thành viên.

Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” diễn ra từ ngày 22-26/8 tại Hà Nội, phóng viên TTXVN đã trao đổi với các vị Đại sứ trở về từ một số nước thành viên ASEAN về tiềm năng và lợi thế Cộng đồng ASEAN mang lại.

Tạo mối liên kết tốt hơn

Theo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm, việc Cộng đồng ASEAN hình thành đã tạo bước chuyển mới đối với các nước ASEAN. Theo đó, ASEAN quy định một loạt bước đi nhằm thúc đẩy những sáng kiến của ASEAN về kinh tế, thương mại, đàm phán đầu tư...

Để tận dụng những lợi thế từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm cho rằng các nước phải tạo được mối liên kết tốt hơn so với trước đây trong sản xuất và các dịch vụ khác. ASEAN phải trở nên hấp dẫn hơn. Bản thân các nước ASEAN phải tạo điều kiện để phát huy và tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, thu hút các nước bên ngoài vào Cộng đồng.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác kinh tế của Việt Nam và Indonesia trong thời gian tới, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cho biết tiềm năng kinh tế Việt Nam-Indonesia nằm trong nhiều khuôn khổ khác nhau.

Về khuôn khổ hợp tác song phương, hai bên có tiềm năng lớn nhưng quan hệ hợp tác kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hợp tác thương mại hai chiều đạt 5,5 tỷ USD/năm, thấp hơn so với hợp tác của Việt Nam với một số nước quan trọng khác.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN là khuôn khổ mới giúp tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư không chỉ từ Indonesia tới Việt Nam mà còn từ Việt Nam sang Indonesia.

Khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nhà đầu tư ở Indonesia rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, cho đây là thị trường mới nổi. Việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên không chỉ tăng thương mại, đầu tư tại Việt Nam, mà từ đây có thể thâm nhập vào các thành viên của TPP. Như thế, tiềm năng kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Indonessia rất lớn.

Khai thác triệt để lợi thế

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành, Thái Lan là thị trường tương đối lớn với khoảng 70 triệu dân. Trong thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến ASEAN nói chung, đặc biệt là Thái Lan.

Ở Thái Lan, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất quan tâm đến thị trường ASEAN, nhất là thị trường Việt Nam. Việt Nam có những ưu thế rất mạnh so với các nước trong khu vực, từ vị trí địa lý cũng như khoảng cách đến các trung tâm thương mại lớn trên thế giới. Trong khi hiện nay, về thương mại hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa thực sự quan tâm đến Thái Lan.

Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan có phối hợp tổ chức một số sự kiện xúc tiến thương mại ở Thái Lan. Khi doanh nghiệp Việt Nam sang Thái Lan mới thấy hàng hóa của Việt Nam hoàn toàn có thể vào Thái Lan bằng nhiều con đường khác nhau.

Mặc dù các địa phương của Việt Nam có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với một số địa phương của Thái Lan, nhưng phía Việt Nam lại quan tâm đến đầu tư, hợp tác chứ chưa quan tâm đầy đủ đến thương mại hàng hóa với Thái Lan.

“Có lẽ cấp chính phủ, địa phương quan tâm chỉ là một phần, quan trọng là phải ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam kể cả các doanh nghiệp lớn cũng chưa quan tâm khai thác triệt để những lợi thế mà Cộng đồng ASEAN có thể mang lại,” Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan nói.

Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Phạm Cao Phong cho rằng Cộng đồng kinh tế ASEAN có tiềm năng lớn với hơn 600 triệu dân. Tuy nhiên, Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành khi môi trường kinh tế đang có nhiều ảnh hưởng và những thách thức. Cùng với đó, mối liên kết khu vực ngày càng phát triển mạnh, do đó các nước ASEAN cần hợp tác chặt chẽ với nhau hơn để cùng phát triển.

Việt Nam và Malaysia cần hợp tác chặt chẽ về kinh tế với nhau và bổ sung cho nhau nhiều hơn vì hai nước đều là thành viên ASEAN. Khi hai bên cùng hợp tác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phát huy được lợi thế so sánh của từng nước, từ đó thúc đẩy quá trình tham gia của Việt Nam vào các tổ chức liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục