Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Bảo đảm sự quản lý tập trung đối với hoạt động đối ngoại
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Luật Cơ quan đại diện) nêu rõ, sau bảy năm thi hành, Luật Cơ quan đại diện bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, Luật chưa thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp năm 2013; chưa quy định các tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền; một số quy định của Luật không còn tương thích với pháp luật hiện hành, không phù hợp với tình hình thực tế... Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện là cần thiết.
Với quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại; khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành đồng thời phù hợp với luật pháp quốc tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số khoản tại 11 trong tổng số 36 điều của Luật Cơ quan đại diện, bãi bỏ 1 khoản.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện và nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm triển khai thực hiện định hướng chiến lược của Đảng tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;” cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn mới.
Quản lý chặt việc kéo dài nhiệm kỳ đại sứ
Về tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện và tiêu chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Luật. Theo đó, thành viên cơ quan đại diện là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật; có đủ tiêu chuẩn, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu công tác, đáp ứng quy định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên cơ sở đề án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn trên, còn có các tiêu chuẩn riêng về phẩm chất chính trị, đạo đức; về trình độ; về năng lực kinh nghiệm; về sức khỏe, độ tuổi...
Tán thành với các tiêu chuẩn của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu tại cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, đại biểu Phạm Quang Thanh đề nghị dự thảo Luật nên bổ sung việc kéo dài nhiệm kỳ của người đại diện bởi nếu nhiệm kỳ chỉ trong ba năm sẽ không tạo tính liên tục.
“Năm đầu sang làm quen, năm thứ hai vừa bắt nhịp với công việc, thiết lập quan hệ xúc tiến thương mại, du lịch, văn hóa để tạo sự tin tưởng, kết nối thì sang năm thứ ba, chờ bàn giao cho người khác,” đại biểu Phạm Quang Thanh phân tích.
[Gặp mặt Trưởng các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài]
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng nếu nhiệm kỳ của đại sứ chỉ có ba năm sẽ rất lãng phí đồng thời đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu việc mỗi đại sứ đảm nhiệm hai nhiệm kỳ, trừ trường hợp cụ thể.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đặt vấn đề về việc nâng cao chất lượng cán bộ ngoại giao, đặc biệt với những địa bàn chiến lược như Hoa Kỳ, Nga, Liên minh châu Âu... cần lựa chọn những cán bộ có năng lực chuyên môn, chuyên nghiệp; “dứt khoát không cử cán bộ ngoại giao theo kiểu giải quyết chế độ.”
Nhấn mạnh tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện và tiêu chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tiêu chí rất quan trọng, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) đề nghị bổ sung thêm tiêu chí, nhà ngoại giao phải chủ động và tích cực tìm kiếm cơ hội, có chương trình hành động gắn kết quan hệ giữa nước sở tại và nước ta sao cho hiệu quả trong nhiệm kỳ công tác của mình.
Có ý kiến đề nghị cần quy định và quản lý chặt chẽ việc kéo dài nhiệm kỳ Đại sứ, cần khắc phục việc Đại sứ đương nhiệm kéo dài thời gian công tác khi đã kết thúc nhiệm kỳ vì lý do Đại sứ mới chưa làm xong thủ tục nội bộ hoặc chưa có chấp thuận của nước sở tại đối với Đại sứ nhiệm kỳ mới.
Các đại biểu đề nghị trong trường hợp cần thiết phải gia hạn nhiệm kỳ đối với Đại sứ do yêu cầu công tác đối ngoại, phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn hoặc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện.
Về tuổi bổ nhiệm Đại sứ, dự thảo Luật quy định Đại sứ phải trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Các đại biểu cho rằng do yêu cầu của công tác chính trị, đối ngoại và phù hợp thực tiễn về tuổi bổ nhiệm Đại sứ của nhiều nước trên thế giới nên cho phép bổ nhiệm Đại sứ đối với một số trường hợp đặc biệt không đủ độ tuổi đảm bảo trọn nhiệm kỳ công tác (36 tháng) nhưng có kinh nghiệm hoạt động đối ngoại lâu năm, có uy tín trong ngành ngoại giao, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ Đại sứ tại một số địa bàn chiến lược và trong lúc chưa có người thích hợp để tiến cử làm Đại sứ.
Các đại biểu lưu ý vấn đề này phải được luật hóa cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn nhằm tránh áp dụng đại trà và phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền./.