Trong phiên họp chiều 9/6, các đại biểu Quốc hội đã họp và biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, đây là có sở quan trọng để nâng cao tính phản biển và hiệu quả giám sát của mặt trận các cấp.
Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để làm rõ những điểm mới của bộ luật quan trọng này.
- Xin ông cho biết những điểm chính của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi lần này?
Ông Nguyễn Văn Pha: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi sẽ cụ thể hóa những tư tưởng lớn của Đảng, Hiến pháp thể hiện trong luật và tăng cường vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. So với luật hiện hành, luật này đã được chỉnh sửa một cách cơ bản.
Chúng tôi thiết kế những chương quan trọng như chương nói về vai trò đại diện bảo vệ cho quyền hợp pháp chính đáng của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Thưa ông, nhiều đại biểu còn băn khoăn với việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng. Vậy, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Pha: Về vấn đề này, chúng tôi đã cùng các cơ quan pháp luật của Quốc hội xem xét rất kỹ. Việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng là vấn đề mới, hiện đã được thực hiện theo quy định của Đảng.
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cho tổ chức thực hiện trong phạm vi thí điểm. Tuy nhiên, nó cần thời gian cho các cơ chế, thủ tục trình tự ổn định và khi ổn định mới đề xuất luật hóa.
- Có ý kiến cho rằng, Ban công tác mặt trận chính là cánh tay nối dài, là phương thức để triển khai hoạt động của Mặt trận ở cấp xã hiệu quả hơn. Vậy vấn đề này được cụ thể hóa trong luật ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Pha: Ban soạn thảo đã cân nhắc thật kỹ ý kiến này của các đại biểu Quốc hội. Có thể nói tất cả các phát biểu đều ghi nhận vai trò cũng như vị trí của Ban công tác mặt trận trong đời sống chính trị của đất nước.
Điều mà các đại biểu băn khoăn chủ yếu là khi đưa ban công tác mặt trận vào trong các điều luật về hệ thống tổ chức thì sẽ bị hiểu là mặt trận có 5 cấp. Trái với quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức cấp hành chính gồm cấp trung ương, tỉnh, huyện xã. Do đó, chúng tôi đã thiết kế theo hướng là làm sao khi đọc điều luật đó sẽ không hiểu Ban công tác mặt trận là cấp thứ 5 của mặt trận mà cái này chỉ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã lập ra để làm công việc của mặt trận ở khu dân cư.
Việc đưa Ban công tác mặt trận vào luật là rất cần thiết. Lý do thứ nhất là nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã quy định về nhiệm vụ, vai trò của Ban công tác mặt trận. Thứ hai, ban này có nhiệm vụ rất quan trọng. Tới đây chúng ta tiến hành bầu cử thì đây chính là cấp cơ sở tổ chức nhận xét, tín nhiệm của nhân dân, cử tri, nơi cư trú với người ứng cử kể cả đại biểu quốc hội. Ban công tác mặt trận cũng là đơn vị giới thiệu những người ứng cử vào Hội đồng Nhân dân cấp xã...
- Việc Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện quyền giám sát thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Pha: Việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi có ý nghĩa rất lớn, không những trong đời sống chính trị xã hội mà đặc biệt với những người làm công tác mặt trận.
Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Mặt trận Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và đặc biệt là cải tạo phần cơ sở pháp lý để hoạt động mặt trận theo tư tưởng của Đảng, Hiến pháp 2013…
- Trân trọng cảm ơn ông!