Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ hướng tới việc xây dựng đội ngũ chuyên trách về thương mại điện tử.
Đặc biệt, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ cụ thể, lực lượng quản lý thị trường tiến hành rà soát, xây dựng cơ cấu tổ chức nằm trong cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường có chức năng chuyên môn về tham mưu, thực thi nhiệm vụ quản lý, giám sát các mô hình, hoạt động kinh doanh gắn với môi trường mạng.
“Trong trường hợp cần thiết hoặc các vụ việc mang tính chất phức tạp, lực lượng sẽ phối hợp với đầu mối của các đơn vị liên quan trong việc cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thương mại điện tử,” ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
[Mạnh tay trước hàng giả: Giải pháp hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng]
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, vi phạm hành chính hoạt động thương mại điện tử năm 2022 nêu rõ nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm.
Cùng đó là hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng.
Đơn cử, mới đây lực lượng quản lý thị trường Đắk Lắk phát hiện hộ kinh doanh của ông H.C.T có địa chỉ tại phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột đang bày bán hàng trăm sản phẩm giày, dép các loại, trên nhãn hàng hóa không thể hiện rõ nội dung về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn hoặc bất kỳ chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Chủ cơ sở khai nhận mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường sau đó livestream trên mạng xã hội Facebook để bán kiếm lời.
Do đó, lực lượng quản lý thị trường đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển, thời gian qua, đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố xây dựng phương án thực hiện hoặc chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.
Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường cũng chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương); Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an... để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng thương mại điện tử công nghệ cao nhằm kinh doanh trên môi trường Internet, chào bán hàng hóa vi phạm.
Với những chỉ đạo sát sao, kịp thời từ lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2022 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các hành vi vi phạm chủ yếu về thương mại điện tử xảy ra chủ yếu như thiết lập website thương mại điện tử bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà chưa được xác nhận đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về cá nhân, tổ chức sở hữu website; không xây dựng ban hành và thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, không cho phép khách hàng lưu trữ thông tin xác nhận nội dung giao dịch sau khi tiến hành giao kết hợp đồng; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử; cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường Internet...
Đánh giá về những thuận lợi trong đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh khẳng định lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm.
Hơn nữa, chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thương mại, ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả được triển khai từng bước, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh cũng chỉ ra rằng việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận rất khó khăn bởi các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ hoặc cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư...
Hơn nữa, phần lớn các đối tượng sử dụng phần mềm như Facebook, Zalo... trên môi trường Internet gặp rất nhiều khó khăn về xác định tính chất, quy mô, địa chỉ vi phạm và hàng hóa vi phạm.
Đơn cử, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện website ghi đúng địa chỉ, đúng mặt hàng kinh doanh nhưng chủ cơ sở lại không thừa nhận website thiết lập và quản lý.
Thêm vào đó, các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch, livestream bán hàng nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn trong việc giám sát, kiểm soát, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên việc phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.
Nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường Internet, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, theo ông Trần Hữu Linh, lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Đặc biệt, lực lượng sẽ phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Cùng với đó, lực lượng còn chủ động kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn (ICD); rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ (COD) của các đơn vị chuyển phát; tăng cường kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị này.
Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm lực lượng cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phải nắm tình hình, dự báo, đánh giá biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử.
Đặc biệt là các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... các website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến và các hoạt động sử dụng phần mềm khác trên môi trường Internet.
Mặt khác, mở rộng triển khai và cụ thể hóa nội dung nói không với hàng giả trong thương mại điện tử; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để hoạt động này lan tỏa rộng rãi trong doanh nghiệp, nhất là các sàn giao dịch thương mại điện điện tử và người tiêu dùng trong việc chủ động trang bị các kỹ năng mua hàng trên mạng./.