Nâng cao giá trị sử dụng chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột

Đắk Lắk có 10 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột, với diện tích 15.070ha, sản lượng đạt trên 46.620 tấn càphê nhân.
Thu hoạch càphê. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Tỉnh Đắk Lắk đã có 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh càphê được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột trên tổng diện tích hơn 15.070ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 46.620 tấn càphê nhân trở lên.

Như vậy, chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột là trường hợp duy nhất trên thế giới được bảo hộ trong nước cho sản phẩm nhân càphê vối (Robusta) và đang tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ quốc tế tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý hoặc tên gọi xuất xứ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Theo Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột, sản phẩm càphê nhân chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên việc càphê nhân có chỉ dẫn địa lý đã mang lại giá trị kinh tế lớn, giá trị gia tăng cao... tác động tích cực đối với nền sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động, bảo vệ môi trường, cảnh quan, đa dạng sinh học.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu các lô hàng càphê nhân loại R1 mang chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và được các nhà nhập khẩu, các nhà rang xay Nhật Bản thu mua với giá cao hơn so với các sản phẩm càphê nhân cùng loại nhưng không có chỉ dẫn địa lý.

Trong thời gian qua, Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột đã tập trung tạo ra mạng lưới liên kết giữa các nhà sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, nhà khoa học, nhà quản lý để tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất càphê theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn vùng đất đến khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để sản phẩm càphê nhân đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, phù hợp với yêu cầu thị trường thế giới.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càphê đã hướng dẫn cho các hộ trong vùng dự án từ bỏ thói quen sản xuất càphê theo kinh nghiệm truyền thống sang sản xuất càphê theo quy trình để đạt chứng nhận UTZ Certified, 4C, Rainforest Alliance, Fairtrade…

Tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến khích các doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý gắn nhãn hiệu (logo) càphê Buôn Ma Thuột lên bao bì, giấy tờ giao dịch để khách hàng nhận biết sản phẩm có chỉ dẫn địa lý và được hưởng các khoản tăng thêm do tạo được kênh thương mại sản phẩm mới đặc thù và quảng bá sản phẩm càphê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột có hiệu quả.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất càphê mang chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột đầu tư kinh phí hàng năm để xây dựng và phát triển, mở rộng vùng càphê được cấp sử dụng, quản lý chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.

Tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Bộ Công Thương tác động, tạo điều kiện từ Chương trình hợp tác đa biên của dự án EU-MUTRAP giai đoạn 3 để Đắk Lắk được sự hỗ trợ từ dự án nội dung bảo hộ chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột sớm vào thị trường EU…

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 203.500ha càphê, sản lượng mỗi năm đạt từ 430.000 tấn càphê nhân trở lên. Đây cũng là địa phương có nhiều diện tích, năng suất, sản lượng càphê vối lớn nhất của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục