Nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu thảo luận, nêu rõ vị trí chiến lược quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)
Đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 27/1, Đại hội XIII của Đảng bước sang ngày làm việc chính thức thứ hai. Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu thảo luận, nêu rõ vị trí chiến lược quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Khai thác hiệu quả thế mạnh địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng

Bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các văn kiện trình tại Đại hội, đại biểu Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang nêu rõ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển nông nghiệp qua tham luận “Phát triển nông nghiệp đa dạng tỉnh Bắc Giang dựa trên điều kiện đặc thù vùng trung du-miền núi.”

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Những năm gần đây, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển và thu được những kết quả ấn tượng. Nông nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương của Đảng về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, bộ mặt nông thôn Việt Nam có nhiều đổi mới.

“Nông nghiệp ngày càng giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái,” đại biểu Dương Văn Thái nhấn mạnh.

Nhấn mạnh ba bài học kinh nghiệm tại địa phương trong phát triển, sản xuất nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển các vùng sản xuất và định hướng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng sinh thái (có đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau) để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chất lượng.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Văn Thái nêu rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức sản xuất nông nghiệp không ngừng đổi mới tư duy, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, thủ công, nhỏ lẻ sang phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hướng tới thị trường toàn cầu.

Cùng với đó, đại biểu Dương Văn Thái nhấn mạnh đến việc ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm giải pháp trung tâm, tạo đột phá tăng năng suất, chất lượng; làm tốt công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển các chuỗi liên kết giá trị, phát triển thị trường để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, đảm bảo ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông sản.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tập trung phát triển toàn diện trên cả ba khu vực kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Để đạt được các nhiệm vụ đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái nêu rõ việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, vận động phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương từng bước hiện đại, bền vững. Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

[Phát huy thành tựu đổi mới, hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước]

“Khai thác hiệu quả thế mạnh về điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu vực, địa bàn, Bắc Giang sẽ quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; xây dựng vùng cây ăn quả của tỉnh thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia,” đại biểu Dương Văn Thái cho biết.

Cùng với đó, Bắc Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, trọng tâm, kịp thời đề ra các chủ trương, định hướng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất... Bắc Giang tiếp tục ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương, đặc biệt các thế mạnh về cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà, trồng rừng kinh tế.

Cùng với đó, Bắc Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất tạo bước phát triển đột phá; xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu; đồng thời gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với xây dựng nông mới, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển, đại biểu Dương Văn Thái đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, sửa Luật Đất đai theo hướng tích tụ, tập trung đất đai với quy mô lớn phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp hàng hóa hiện nay; tăng cường đàm phán thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản.

Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu

Thảo luận về nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, đại biểu Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng trình bày tham luận “Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu của tỉnh Lâm Đồng.”

Theo đó, nông nghiệp là lĩnh vực nhiều lợi thế, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, do đó, trong những năm qua, Lâm Đồng đẩy mạnh chiến lược “kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu” nhằm phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ảnh 1Trồng xoài xuất khẩu đang là một hướng đi mới của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang. (Ảnh: TTXVN)

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng yếu, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, những năm qua, ngành Nông nghiệp địa phương có bước phát triển vượt bậc về quy mô, năng suất, giá trị, thu nhập trên một đơn vị diện tích và cả nguồn nhân lực.

Lâm Đồng hiện là một trong những địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và lực lượng sản xuất trong nông nghiệp phát triển mạnh với mô hình “doanh nghiệp là nòng cốt, ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; nông dân đóng vai trò chủ thể”. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiếp tục được Lâm Đồng ưu tiên quan tâm hàng đầu tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp tổ chức thực hiện.

“Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân kể cả ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đã xuất hiện “nông dân thế hệ mới” dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, bỏ vốn đầu tư, chủ động khai thác thị trường, liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị tham gia có hiệu quả vào thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước,” Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết.

Phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp, Lâm Đồng phát triển vùng nguyên liệu có chất lượng đồng đều, ổn định phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 165 chuỗi với sự tham gia của 197 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở và gần 17.000 hộ nông dân, giá trị sản xuất thông qua chuỗi chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Đại biểu Trần Đức Quận cho biết, đến nay, Lâm Đồng đã xây dựng một nền nông nghiệp với trình độ sản xuất khá cao, có thương hiệu, năng suất, chất lượng tốt. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nâng tầm ngành nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong giai đoạn tới, Lâm Đồng tập trung triển khai kiểm soát phát triển chất lượng nông sản và nông sản chế biến; lấy thị trường làm trọng tâm để tổ chức sản xuất, thiết kế và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới; tiếp tục quảng bá và phát triển thương hiệu; gắn kết nông nghiệp, công nghiệp chế biến với xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu.

Với mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, toàn diện và hiện đại, xây dựng tỉnh Lâm Đồng thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận cho biết, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng xác định, phát triển lĩnh vực nông nghiệp là một trong 4 khâu đột phá, trong đó tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ sản xuất, mở đường cho sản xuất phát triển, đặc biệt, tạo sự hợp tác và liên kết sâu rộng trong sản xuất nông nghiệp; tập trung tổ chức lại các mô hình hợp tác phù hợp, hiệu quả để tạo sự liên kết từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra động lực mới.

Thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững, hiện đại có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; trên cơ sở phát huy tốt các nguồn lực về khí hậu, thổ nhưỡng, con người, kinh nghiệm trong phát triển những năm qua. Từ đó tỉnh xác định tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và hữu cơ trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Đổi mới quan hệ sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững, với mô hình “Doanh nghiệp là nòng cốt; kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm; nông dân là chủ thể”. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất nông nghiệp; mời gọi các nhà khoa học tham gia đánh giá các mô hình thực tiễn và định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.

Địa phương quy hoạch và mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao với tất cả các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Quy hoạch phát triển mạnh vùng trồng cây dược liệu và phát triển ngành công nghiệp chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng bằng nguyên liệu tại chỗ phù hợp với điều kiện từng vùng.

Lâm Đồng xác định gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là kinh nghiệm mà tỉnh Lâm Đồng triển khai rất hiệu quả thời gian qua, góp phần đáng kể trong nâng cao năng suất lao động, thu nhập cho người nông dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới).

Trong đó, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người nông dân tự nguyện tham gia sáng lập các mô hình kinh tế tập thể trong tổ chức xây dựng nông thôn mới tạo hiệu quả nổi trội. Đặc biệt, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn bình yên, có bản sắc và đặc trưng của từng vùng, phát triển du lịch ở nông thôn và du lịch canh nông.

Tỉnh thúc đẩy phát triển dịch vụ logicstic nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu, các dịch vụ trọn gói (đóng gói, lưu kho, thực hiện các thủ tục hải quan, vận chuyển, giao hàng...). Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, xây dựng chiến lược xuất khẩu nông sản trong đó xác định từng loại thị trường, định hướng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chủ động đáp ứng về tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Tiếp tục phát triển thương hiệu nông sản với nhãn hiệu “Đà Lạt-Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trở thành thương hiệu mạnh của cả nước; đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp quả bá thương hiệu, xây dựng và bảo hộ thương hiệu nông sản. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác với các kênh phân phối bán lẻ trong và ngoài nước bằng nhiều phương thức phù hợp để đưa nông sản Lâm Đồng tham gia vào các thị trường chiến lược./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục