Nâng cao đạo đức báo chí trong xử lý đơn thư khiếu tố là chủ đề chính của buổi tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam và Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) ngày 9/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà báo và đại diện các cơ quan quản lý báo chí như Ban Tuyên giáo Trung ương, Sở Thông tin Truyền thông, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện nhiều cơ quan ban, ngành ở một số tỉnh Đông Nam Bộ.
Các phát biểu tại buổi tọa đàm tập trung trao đổi, thảo luận, bàn về vấn đề tác nghiệp phóng viên, công tác tòa soạn trong việc xử lý đơn thư khiếu tố của bạn đọc.
Thông qua công tác này, vai trò của báo chí trong việc định hướng công luận ngày càng được khẳng định.
Nhiều bài báo đã có những tác động tích cực, góp phần giúp các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân.
Tuy nhiên, việc xử lý thông tin từ đơn thư khiếu tố cũng còn những bất cập, đôi khi có tình trạng vi phạm đạo đức báo chí do việc trục lợi từ các thông tin trong các đơn thư khiếu tố.
Các đại biểu cũng đã cảnh báo một số trường hợp phóng viên và thậm chí là tòa soạn đã xử lý thiếu trung thực các thông tin khiếu tố, hoặc dùng các tin bài từ đơn thư khiếu tố để kiếm lợi bất chính.
Ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các phóng viên và tòa soạn phải kiểm tra, xác minh thông tin thật kỹ trước khi đăng, đồng thời phải nâng cao đạo đức báo chí khi xử lý vụ việc, không vì những tác động tiêu cực hoặc vì sự can thiệp của "ai đó" ở cấp trên.
Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí và nhận định rằng trong khi có rất nhiều nhà báo đã giữ vững và phát huy được đạo đức báo chí khi tác nghiệp thì cũng có một số nhà báo tác nghiệp hời hợt, với "cái tâm" không trong sáng....
Bên cạnh đó, cũng có những tờ báo thông tin sai sự thật với mục đích câu khách khiến bạn đọc gọi là "báo lá cải." Điều này xuất phát từ nhận thức của nhà báo, tờ báo có trong sáng, vì độc giả hay không.../.