Hiện nay, nhiều nông dân ở vùng xâu vùng xa đã được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng số tuy nhiên vẫn còn e ngại, một phần bởi vấn nạn lừa đảo như yêu cầu chuyển tiền, mất tiền trong tài khoản…
Bất an khi sử dụng Ngân hàng Số
Chia sẻ tại Hội thảo "Chuyển đổi Số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức ngày 13/10, nhiều hộ nông dân đánh giá cao việc Chuyển đổi Số đã đem lại những lợi ích to lớn như giảm thời gian giao dịch, tăng tính kết nối và mở rộng thị trường, minh bạch hóa các giao dịch, tiết kiệm chi phí...
Nông dân Việt Nam xuất sắc Đặng Dương Minh Hoàng (Bình Phước), du học sinh ở Pháp, làm nông nghiệp và mở Hợp tác xã dịch vụ Số cho biết anh đang sử dụng những dịch vụ tài chính của nhóm ngân hàng Big4 là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank. Sản phẩm Số tiết kiệm thời gian, không phải đi lại, giao dịch an toàn chính xác (không rủi ro như việc cầm tiền mặt đi giao dịch). Có thể thanh toán bằng các hình thức như chuyển khoản, quét mã QR… 24/7 mà không phải đi ra quầy giao dịch cũng như có dịch vụ chuyển tiền với hạn mức lớn.
[Chống cuộc gọi lừa đảo: Sẽ hiện tên cơ quan Nhà nước khi gọi điện]
“Chúng tôi chủ động giao dịch với các đối tác ngay tại cơ sở sản xuất. Trước đây khi chưa có các ứng dụng Ngân hàng Số, phải trực tiếp ra quầy thực hiện chuyển tiền thanh toán cho khách hàng nhưng nếu vướng vào ngày nghỉ, ngày lễ các công việc thanh toán cũng bị ngưng lại, ảnh hưởng đến tiến độ của đơn hàng," anh Hoàng chia sẻ.
Cũng đánh giá cao những tiện ích mà Chuyển đổi Số ngành Ngân hàng mang lại nhưng ông Phạm Văn Quyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nam Việt chia sẻ: “Hiện vẫn còn hiện tượng người dân mất tiền trong tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân vùng nông thôn nhiều khi vô tình nhấn vào link giả mạo bị đối tượng lừa đảo rút sạch tiền, khiến hợp tác xã chúng tôi rất lo lắng, bất an khi sử dụng dịch vụ Ngân hàng Số,” ông Quyên bày tỏ.
Ông Quyên cho biết cách đây 2 ngày, ông vừa nhận được cuộc gọi lừa đảo mời gọi tham gia sàn thương mại điện tử với hình thức chuyển khoản trước để nhận hoa hồng.
“Rất mong Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước truy quét SIM rác, tài khoản rác để nông dân chúng tôi yên tâm sử dụng dịch vụ Chuyển đổi Số,” ông Quyên đề nghị.
Nhiều nông dân cũng băn khoăn về tình trạng các cuộc điện thoại lừa đảo xảy ra rất nhiều, các đối tượng lừa đảo nắm bắt chính xác thông tin cá nhân của người dân, đặt ra nghi vấn dữ liệu cá nhân bị lộ, mua bán bất hợp pháp và đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ Mỳ Chũ Nam Thể cũng cho rằng lợi ích lớn từ Chuyển đổi Số ngân hàng là không phải kiểm đếm tiền, không sợ sai sót khi nhận tiền. Trước đây, nhiều giao dịch giá trị lớn đều phải kiểm đếm vài lần mất rất nhiều thời gian, mỗi ngày làm việc cũng phải kiểm đếm tiền thu về để ghi sổ, bất tiện mà nhiều khi không chính xác… Còn hiện nay, các giao dịch lớn nhỏ hiện nay đều đa phần chuyển khoản.
“Tuy nhiên, thi thoảng còn hiện tượng treo lệnh. Đây là vấn đề mà tôi quan tâm nhất khi sử dụng thanh toán điện tử. Tôi hy vọng việc này được giải quyết triệt để,” ông Nam bày tỏ.
Ngoài ra, về bảo mật thông tin, hiện nay, đối tượng xấu có nhiều cách để lấy được số căn cước công dân để lừa đảo lấy cắp tiền. Theo đó, ông Nam đề nghị cơ quan chức năng các giải pháp giải quyết vấn đề SIM ảo, SIM rác, tăng bảo mật và giải quyết việc mua bán thông tin cá nhân để người nông dân yên tâm.
Làm sạch dữ liệu để ngăn lừa đảo
Trao đổi về vấn đề vướng mắc của các nông dân tại hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (A06) cho hay Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư ra đời đã giúp làm sạch dữ liệu. Hiện đã có xấp xỉ 80/104 triệu người được cấp Căn cước công dân gắn Chip, nhờ đó giúp việc xác thực được chính xác.
Tuy vậy, để hạn chế nạn lừa đảo, ông Tấn khuyến cáo người sử dụng thiết bị đầu cuối cần nâng cao cảnh giác hơn nữa để bảo vệ mình, không cho mượn tài khoản, không để lộ thông tin cá nhân...
Đại diện ngành Công an cũng khẳng định không có cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nào lại yêu cầu người dân chuyển tiền thông qua điện thoại. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác khi có cuộc gọi lạ yêu cầu chuyển tiền.
Còn ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh đối với việc bảo mật thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường công tác quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo.
Trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý; phối hợp với Bộ Công an trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, cung ứng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là đơn giản quy trình cho vay trên cơ sở giải pháp đánh giá khả tín khách hàng, tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ Chuyển đổi Số...
Cũng theo ông Tuấn, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu đến năm 2025, có 50% nghiệp vụ ngân hàng hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh Số; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính với các khoản vay tiêu dùng, khoản vay nhỏ lẻ của cá nhân được Số hóa; 50% người dân trưởng thành được sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Con số này đến năm 2030 nâng lên 70%-80%.
Để thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt hành lang pháp lý về cho vay online, xác thực điện tử, cho phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)… Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách Chuyển đổi Số ngân hàng, xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng dữ liệu dân cư. Hiện đã có tổ chức tín dụng đã triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng; 44 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng Căn cước công dân gắn Chip, 13 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử./.