Nâng cao chức năng giám sát của Quốc hội với hoạt động tư pháp

Chủ tịch nước đề nghị trên cơ sở Hiến pháp mới cần nâng cao chức năng giám sát của Quốc hội đối với hoạt động tư pháp; có chế tài xử lý khi phát hiện ra vấn đề.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ngày 27/8, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Đảng đoàn Quốc hội về tình hình quán triệt thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội chủ trì buổi làm việc.

Thời gian qua, bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Đảng đoàn Quốc hội đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cán bộ, đảng viên công tác tại các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, quán triệt các mục tiêu, quan điểm, phương hướng nhiệm vụ cải cách tư pháp được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 49 để thể chế hóa đúng và đầy đủ trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Quốc hội đã tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp, sửa đổi bổ sung nhiều quy định của pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, thi hành án, luật sư, công chứng, giám định tư pháp theo đúng chủ trương, định hướng lớn nêu trong Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cải cách tư pháp.

Phát biểu tại phiên làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra đều nhất trí đánh giá cao sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội trong công tác cải cách tư pháp; nhấn mạnh bên cạnh nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, phải tăng cường hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử đối với các hoạt động tư pháp và cơ quan tư pháp; làm rõ việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan và nội hàm của "quyền tư pháp" được quy định trong Hiến pháp mới; thông qua đề án xây dựng Tòa án sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát khu vực để thể chế hóa trong Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân sửa đổi.

Đại diện các cơ quan tư pháp cũng đề nghị cần phân bổ biên chế, ngân sách hợp lý để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở... đáp ứng nhiệm vụ mới của các cơ quan tư pháp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận ý kiến của các đại biểu và đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu hoàn thiện báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội để có định hướng chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi thể chế hóa các quy định pháp luật cần chỉ rõ vai trò độc lập của các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng, thực hiện quyền tư pháp, nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ lẫn nhau. Đặc biệt nâng cao hơn công tác giám sát của các cơ quan dân cử.

Hoan nghênh Quốc hội đã quán triệt chủ trương của Đảng và thực thi có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp từ khâu xây dựng luật, giám sát, chất vấn hoạt động của các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Kết luận 92 của Bộ Chính trị là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.

Chủ tịch nước đề nghị trên cơ sở Hiến pháp mới cần nâng cao chức năng giám sát của Quốc hội đối với hoạt động tư pháp; có chế tài xử lý khi phát hiện ra vấn đề.

Chủ tịch nước cũng lưu ý sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành và Quốc hội để đẩy mạnh hơn công tác thể chế hóa với mục tiêu đảm bảo chất lượng và đồng bộ trong xây dựng pháp luật.

Tán thành với định hướng của Đảng đoàn Quốc hội trong triển khai chiến lược cải cách tư pháp, Chủ tịch nước cho rằng cần quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực tiễn để quá trình luật hóa thực sự đi vào cuộc sống.

Đề cập những ý kiến khác về cần làm rõ quyền tư pháp và sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước khẳng định chủ trương được ghi nhận trong Hiến pháp và Kết luận 92 là đúng đắn, đề nghị cần sớm nghiên cứu, làm rõ nội hàm để thống nhất và thể chế hóa ngay trong luật tổ chức các cơ quan chức năng khối tư pháp và luật chuyên ngành có liên quan đến tư pháp sắp tới, tạo nền tảng cho công tác cải cách tư pháp có bước tiến mới trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục