Nâng cao chất lượng xét xử trong Tòa án Nhân dân các cấp

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình yêu cầu ngành Tòa án tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc
Nâng cao chất lượng xét xử trong Tòa án Nhân dân các cấp ảnh 1Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Ngày 12/4, tại thành phố Huế, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng xét xử trong Tòa án Nhân dân.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao chủ trì hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt công tác chuyên môn của hệ thống Tòa án trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao yêu cầu ngành Tòa án tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội. Ngành thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ xét xử của ngành Tòa án, vì vậy các Tòa án cần tranh thủ thêm ngày nghỉ để tổ chức xét xử đảm bảo quyền lợi cho người dân, phải tiến hành công việc khẩn trương nhưng đảm bảo chất lượng. Vì chất lượng của bản án làm nên uy tín niềm tin của xã hội đối với ngành Tòa án. Đối với việc xây dựng đề án cải cách tư pháp tại Tòa án Nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, các Tòa án đã quan tâm thực hiện nghiêm túc, khẩn trương.

[Ngành Tòa án đặt ra 6 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động] 

Ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị các Tòa án tiếp tục quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức nghiên cứu dự thảo của đề án để có những đóng góp đề xuất phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế chung của thế giới.

Đối với công tác hòa giải, ngành Tòa án đã có nhiều nỗ lực và trách nhiệm, nhiều điểm sáng trong công tác hòa giải như các Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án cấp cao Đà Nẵng. Tuy nhiên, thời gian qua, các Tòa án mới thực hiện hòa giải khoảng 11.000 vụ, trên tổng số khoảng 500.000-600.000 vụ việc xét xử mỗi năm, đây là con số khá khiêm tốn.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình lưu ý các Tòa án cần chú trọng làm tốt công tác hòa giải, đối thoại trong quyết tranh chấp, khiếu kiện; chấn chỉnh tình trạng không hòa giải đã tiến hành xét xử.

Về việc triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến, dù mới triển khai từ đầu năm nhưng nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị thời gian tới, các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh xét xử trực tuyến đảm bảo thuận lợi cho người dân và thích ứng với tình hình dịch COVID-19; phối hợp với các ngành chức năng đầu tư phòng xét xử trực tuyến đạt chuẩn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao quán triệt nội dung Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Nghị quyết về án treo. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung tham luận, thảo luận về các nội dung chính như sơ kết công tác những tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2022 của các Tòa án; định hướng cải cách tư pháp tại Tòa án Nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm; triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022, các Tòa án đã thụ lý 287.067 vụ việc, trong đó, đã giải quyết được 139.998 vụ việc; đạt hơn 48%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 1,09% đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp được các Tòa án quan tâm thực hiện nghiêm túc, khẩn trương.

Các Tòa án đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tính đến hết tháng 3/2022, hai Tòa án nhân dân cấp cao; 12 Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và 29 Tòa án Nhân dân cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 80 vụ án. Ngoài ra, các mặt công tác khác của Tòa án cơ bản được triển khai thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục