Sáng 18/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ trong thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan trong hệ thống chính trị mà trước hết là các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, sự đóng góp công sức, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của đông đảo tầng lớp nhân dân, công tác xây dựng pháp luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn những hạn chế, thiếu sót chậm được khắc phục, dẫn đến việc Chương trình phải điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn không bảo đảm đúng kế hoạch đề ra.
Chất lượng một số văn bản chưa cao, vẫn còn có quy định thiếu tính khả thi; việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách trong các Nghị quyết Trung ương còn chậm so với yêu cầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian tới, khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều, bên cạnh các dự án đã được đưa vào Chương trình còn nhiều dự án phải bổ sung theo yêu cầu của nghị quyết Trung ương để bảo đảm hoàn thành trong năm 2019, chưa kể một số dự án cần ban hành để tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển thi hành Hiến pháp, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống…
Do vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nâng cao trách nhiệm, chủ động cân đối công việc trong từng giai đoạn cụ thể, có kế hoạch chi tiết, quyết liệt triển khai và tập trung nguồn lực để thực hiện, hoàn thành đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao.
Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải phối hợp chặt chẽ để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế thời gian qua, nâng cao hơn nữa chất lượng, tiến độ và hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật.
[Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019]
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2020 còn một lượng lớn các luật, pháp lệnh (43 luật, pháp lệnh) cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, chưa kể các dự án luật, pháp lệnh khác để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 đang được tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành.
Trong đó, có nhiều dự án phải hoàn thành trong năm 2018, năm 2019 như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, Luật Nhà ở...
Trong số này, có 13 dự án luật đã được đưa vào Chương trình năm 2018 và năm 2019; 9 dự án luật đang được nghiên cứu, lập đề nghị, dự kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2018 và năm 2019; 21 dự án luật, pháp lệnh còn lại đang được các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong đó có nhiều dự án phải xác định lại sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh.
Như vậy, Chương trình cuối năm 2018 và năm 2019 sẽ rất nặng; số lượng dự án luật phối hợp chỉnh lý và trình tại Kỳ họp thứ 6 sẽ tăng lên 18 dự án; năm 2019 sẽ tăng lên là 23 dự án.
Đối với việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, công tác này đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong thời gian qua.
Chất lượng đa số dự án luật, pháp lệnh cơ bản được bảo đảm, các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn thừa nhận, chất lượng một số dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế; tài liệu, hồ sơ của một số dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu về nội dung, hình thức dẫn đến việc phải rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...
Cơ bản đồng tình với Báo cáo, các đại biểu nhấn mạnh, những tồn tại, hạn chế nêu trên không phải là vấn đề mới, vì thế phải có biện pháp quyết liệt để khắc phục.
Một số ý kiến chỉ rõ, hiện nay còn xuất hiện tình trạng, Chính phủ “nửa đường đổi ý,” ví dụ như về phạm vi điều chỉnh, khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng khi chuẩn bị trình ra Quốc hội là yêu cầu sửa đổi toàn bộ.
Khi là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều thì báo cáo tổng kết, đánh giá tác động phải khác so với dự án Luật sửa đổi. Điều này khiến cơ quan thẩm tra phải “chạy theo,” khó bảo đảm tiến độ xây dựng dự án luật…
Từ thực tế này, các đại biểu đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng, thủ tưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; coi việc hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan chuẩn bị thật kỹ việc đề xuất đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tăng cường vai trò, đề cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo.
Bộ Tư pháp phát huy vai trò của mình trong công tác thẩm định và là đầu mối giúp Chính phủ trong xây dựng pháp luật. Chính phủ chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, nâng cao kỷ luật trong xây dựng pháp luật.
Ngoài ra, phát huy vai trò, nâng cao chất lượng thẩm tra, tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tăng cường công tác phối hợp trong suốt quá trình xây dựng pháp luật./.