Nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân

Để thực hiện các mục tiêu do Nghị quyết 20 đề ra, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh nâng cao trình độ, đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dương Ngọc/ TTXVN)

Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017) đã đề ra mục tiêu nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng; bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

Để thực hiện các mục tiêu do Nghị quyết 20 đề ra, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh nâng cao trình độ, đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế; coi trọng vừa phát triển y tế cơ sở, y học dự phòng cũng như phát triển y tế mũi nhọn với đào tạo nhân lực; tăng cường truyền thông, tư vấn cho người dân về kiến thức giữ gìn sức khỏe; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…

Theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, ngành y tế đang có nhiều thuận lợi là được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước trong các chủ trương, chính sách cũng như cung cấp nguồn lực cho ngành. Ngành Y tế xác định sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của ngành là dần khắc phục để thực hiện các mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, ngành Y tế coi trọng vừa phát triển y tế cơ sở, y học dự phòng cũng như phát triển y tế mũi nhọn với đào tạo các bác sĩ, nhất là bác sĩ tuyến dưới để tránh quá tải tuyến trên. Điều này có nghĩa là nếu bác sĩ tuyến dưới chữa bệnh tốt, thì bệnh nhân sẽ không phải dồn lên trên, tránh được cả những trường hợp đáng tiếc khi chẩn đoán nhầm, đưa bệnh nhân lên tuyến trên thì đã muộn.

Bộ Y tế xác định Y tế cơ sở chính là nòng cốt và là tuyến trước, do đó, nếu hàng rào này mà làm tốt thì chắc chắn ở tuyến trên sẽ giảm tải, chi phí điều trị ít tốn kém hơn và vẫn đạt được kết quả tốt.

Tăng cường truyền thông, tư vấn cho người dân về kiến thức giữ gìn sức khỏe được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, dù cuộc sống của người dân Việt được cải thiện hơn trước rất nhiều nhưng việc gìn giữ sức khỏe của người dân vẫn chưa khoa học do chưa được trang bị những kiến thức y khoa thường thức, cơ bản để tự chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành Y tế là tăng cường công tác truyền thông, tư vấn cho mỗi người dân dù có bệnh hoặc chưa có bệnh có chế độ ăn uống, tập thể dục, rèn luyện sức khỏe làm việc, nghỉ ngơi hợp lý phòng chống bệnh tật, đặc biệt là thế hệ trẻ, chủ nhân của đất nước.

Trog thời gian qua, ngành Y tế đã đạt được rất nhiều thành tựu y học, trong đó đặc biệt quan trọng là vấn đề chẩn đoán trước sinh, sàng lọc sơ sinh, sàng lọc các bệnh lý về di truyền. “Chúng ta vừa chẩn đoán trước khi phôi làm tổ để loại trừ được bệnh lý Thalassemia mà hàng triệu người Việt Nam mắc phải. Đây là những thành tựu quan trọng để giúp chúng ta sàng lọc, lựa chọn được những phôi thai khỏe mạnh, loại trừ gen bệnh, giúp bảo đảm chất lượng dân số tốt nhất”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Tuy vậy, thực tế hiện nay đang xuất hiện tình trạng đáng báo động khi tỷ lệ trẻ tự kỷ tăng rất cao gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Tự kỷ không chỉ do gen di truyền, còn do cả yếu tố chăm sóc, giáo dục của gia đình, do vậy nhiệm vụ phát triển thể lực, trí lực của trẻ em Việt không chỉ thuộc về phía ngành Y tế mà còn cần có sự tham gia vào cuộc quyết liệt của ngành Giáo dục và các tổ chức chính trị, xã hội liên quan.

Với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiến hành mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; phát triển mô hình y học gia đình; đồng thời củng cố hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đang tìm kiếm để phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt.

Để tiếp tục đẩy mạnh nâng cao trình độ, đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế, Bộ Y tế ngoài thực hiện đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của y, bác sỹ cũng đồng thời thực hiện đổi mới thái độ nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bởi thực tế cho thấy, quan trọng nhất là làm hài lòng về chất lượng điều trị. Tuy nhiên, muốn điều trị tốt, nhân viên y tế phải có trình độ chuyên môn cao. Một thực tế đang diễn ra là một số nơi bác sỹ có trình chuyên môn cao, trang thiết bị y tế tốt nhưng thái độ của y, bác sỹ lại không bằng nơi khác khiến bệnh nhân chưa hài lòng. Ngược lại, có một số nơi dịch vụ chăm sóc ân cần, chu đáo, song kỹ thuật y tế lại yếu kém, cả hai điều này đều ảnh hưởng tới chất lượng quá trình khám chữa bệnh.

Ngoài ra, để làm hài lòng người bệnh, Bộ Y tế đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, môi trường làm việc tại các bệnh viện; xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp; đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại; thực hiện lộ trình nâng giá viện phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế; đổi mới cơ chế tài chính tại các bệnh viện, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính.

Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ Đề án giảm tải bệnh viện, triển khai thực hiện bệnh viện vệ tinh; đổi mới cơ chế tài chính trong bệnh viện; đề xuất ưu tiên chế độ chính sách cho cán bộ y tế như phụ cấp thâm niên, lương khởi điểm của bác sỹ để nâng cao chất lượng sống của đội ngũ này khiến họ an tâm và tận tâm phục vụ bệnh nhân…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục