Đông Nam Bộ tạo bệ phóng bước vào kỷ nguyên mới (Bài 4)

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số, Đông Nam Bộ cần tiếp tục tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo...
Một công ty trong Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đông Nam Bộ, một khu vực được coi là động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, đóng góp hơn 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách của cả nước. Đây là nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt những năm qua.

Tuy nhiên, để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, khu vực này cần phải thực hiện những chuyển biến lớn, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.

Mọi chiến lược phát triển trong khu vực này cần phải lấy con người làm trung tâm, nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống của nhân dân và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Quan tâm đến nhân lực chất lượng cao

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi khẳng định rằng việc phát triển khu vực cửa ngõ nối thông với Thành phố Hồ Chí Minh là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Mục tiêu là biến nơi đây thành một không gian sống lý tưởng, nơi mà các chuyên gia, kỹ sư và các nhân lực chất lượng cao có thể đến làm việc, phát triển và duy trì cuộc sống ổn định.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh: "Chúng ta phải phát triển các vành đai, nâng cao dịch vụ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao." Với vị trí chiến lược, Bình Dương sẽ trở thành một trung tâm lao động chất lượng cao, kết nối các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu và mong các dự án trọng điểm kết nôi sớm để các tỉnh có không gian gần hơn, tạo ra một môi trường sống, làm việc thuận lợi và sáng tạo cho các chuyên gia.

"Để thúc đẩy phát triển nhanh chóng, cần cải thiện hệ thống giao thông, giúp các nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư, chuyên gia, y bác sỹ phân bổ khắp vùng, có thể di chuyển nhanh chóng trong khu vực Đông Nam Bộ, sáng đi chiều về, từ đó tăng cường hiệu quả công việc và hỗ trợ phát triển các khu vực trọng điểm," ông Nguyễn Văn Lợi mong muốn.

Kinh tế tri thức là yếu tố cốt lõi để Đông Nam Bộ duy trì sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Đông Nam Bộ đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ, với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD/năm. Tuy nhiên, với mức thu nhập này, khu vực vẫn đang đối mặt với thách thức lớn: thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Để làm được điều này, Đông Nam Bộ phải chuyển hướng mạnh mẽ từ nền kinh tế sản xuất truyền thống sang nền kinh tế tri thức, nơi vai trò của công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục là then chốt.

Nền kinh tế tri thức tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ thông tin, tự động hóa, và các lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu và phát triển (R&D). Để thực hiện chuyển đổi này, Đông Nam Bộ cần tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp như phần mềm, vi bán dẫn, sản xuất tự động hóa, xây dựng chuỗi cung ứng, đẩy mạnh ngành thương mại điện tử, và chuyển đổi số; đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, để thực hiện được chuyển đổi này, yếu tố quan trọng không thể thiếu là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Đông Nam Bộ hàng năm hiện đạt khoảng 70% nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại.

Để tăng trưởng bền vững và đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số, khu vực này cần tiếp tục tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, và các ngành công nghiệp sáng tạo.

Hoạt động sản xuất tại xưởng sản xuất trụ bêtông ly tâm của doanh nghiệp có vốn FDI tại Khu Công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh việc lấy con người làm trung tâm trong phát triển với trọng tâm là hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2023-2025.

Hợp tác tập trung vào 7 lĩnh vực quan trọng: quy hoạch; cơ chế điều phối vùng; xúc tiến thương mại, đầu tư; kết nối hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ; bảo vệ môi trường; y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định các địa phương cần phát huy tiềm năng, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đảm bảo tính liên kết và bền vững. Đặc biệt, kết nối hạ tầng giao thông được xem là vấn đề chiến lược, không chỉ tạo động lực phát triển mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sống.

Thoát "bẫy" thu nhập trung bình?

Lấy con người làm trung tâm phát triển không chỉ là một khẩu hiệu mà còn là một chiến lược rõ ràng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của Đông Nam Bộ. Chuyển đổi nền kinh tế tri thức không thể tách rời với việc nâng cao đời sống của người dân, bởi chính họ là nguồn động lực thúc đẩy mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh. Mục tiêu cao nhất của quá trình phát triển là nâng cao chất lượng sống, giúp người dân Đông Nam Bộ có cơ hội phát triển nghề nghiệp, cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống.

Tiến sỹ Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Miền Đông (EIU), cho rằng để nâng cao đời sống người dân và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Đông Nam Bộ cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xu thế hội nhập toàn cầu. Việc đầu tư vào giáo dục, phát triển kỹ năng, cùng với các chính sách hỗ trợ người lao động, mở rộng phúc lợi xã hội và đảm bảo an sinh sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp người dân tham gia tích cực vào quá trình phát triển.

Đồng thời, khu vực cần đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ như du lịch, y tế, giáo dục, cùng việc ứng dụng các mô hình bền vững như kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Những mô hình này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mở ra chuỗi giá trị mới, tăng thu nhập cho lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ năm với chủ đề 'Tăng trưởng kinh tế 2 con số vùng Đông Nam Bộ năm 2025: Thách thức, cơ hội và giải pháp.' (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ năm với chủ đề "Tăng trưởng kinh tế "2 con số" vùng Đông Nam Bộ năm 2025" (hôm 2/12 tại Vũng Tàu), việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là một mục tiêu quan trọng, và Đông Nam Bộ cần tập trung vào các động lực quản trị chuyển đổi kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn cũng như chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn.

Thủ tướng cũng đề cập đến những chiến lược và chính sách quan trọng giúp Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số.

Để trung tâm kinh tế lớn nhất nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, khu vực này cần đẩy mạnh các chính sách phát triển bền vững, đồng thời chú trọng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực. Đông Nam Bộ phải tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt là các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như công nghệ cao, chế biến thực phẩm, và dịch vụ tài chính...

Chính quyền các tỉnh và thành phố trong khu vực cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển khai các chương trình phát triển, đồng thời chú trọng đến việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chiến lược này không chỉ giúp khu vực này đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững mà còn giúp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong tương lai.

Tăng trưởng hai con số của Đông Nam Bộ không chỉ đơn giản là việc tăng trưởng GDP mà còn là sự phát triển toàn diện của nền kinh tế dựa trên nền tảng con người. Khi con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển, khi nền kinh tế chuyển dịch sang tri thức và khi mọi chính sách đều hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống của nhân dân, Đông Nam Bộ sẽ vươn tới một tương lai tươi sáng, bền vững và thịnh vượng./.

Bài 1: Đường lớn đã mở, Đông Nam Bộ vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới

Bài 2: Vùng Đông Nam Bộ tháo gỡ điểm nghẽn, tạo bàn đạp để bứt phá

Bài 3: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng các khu công nghiệp xanh

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục