Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện

Theo Bộ trưởng Y tế, đến nay đã có khoảng 45 bệnh viện tuyến tỉnh được chuyển giao và đào tạo cán bộ trong thời gian qua và tự họ đã thực hiện các kỹ thuật cao.
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Những vấn đề liên quan sát sườn đến cuộc sống người dân như quá tải bệnh viện với hình ảnh hai bệnh nhân nằm chung một giường bệnh, Luật Bảo hiểm y tế mới áp dụng vào cuộc sống như thế nào… đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải đáp thấu đáo trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 12/4.

- Trước băn khoăn của người dân cho rằng, việc cam kết giảm tải bệnh viện vẫn chỉ là hình thức và chạy theo thành tích, xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhiệm vụ giảm quá tải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà Bộ Y tế đã đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ. Sau gần 3 năm triển khai, Đề án Giảm tải do Chính phủ phê duyệt đến thời điểm này đã có được những kết quả đáng khích lệ: Số bệnh viện của tuyến trung ương ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép đã lên tới 23/38 bệnh viện, ngoài ra còn có 18/31 bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh đã ký cam kết.

Việc cam kết này không phải chạy theo thành tích bởi đối với những bệnh viện có khả năng, họ đã phải thống nhất trong lãnh đạo và các khoa, phòng của bệnh viện, thứ hai là do số giường của các bệnh viện này đã tăng lên trong thời gian qua hoặc do xây mới các tòa nhà trong bệnh viện, hoặc đã chuyển sang cơ sở hai, cơ sở ba. Thứ ba là trong thời gian gần 3 năm qua, các bệnh viện Trung ương và tuyến cuối Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các bệnh viện vệ tinh tại các bệnh viện tuyến tỉnh.

Đến nay đã có khoảng 45 bệnh viện tuyến tỉnh được chuyển giao và đào tạo cán bộ trong thời gian qua và tự họ đã thực hiện các kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, chấn thương chỉnh hình, điều trị ung thư, sản nhi…

Việc này đã giúp giảm bớt số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên và đây là một trong những giải pháp căn cơ mà hiện nay Bộ Y tế đang tập trung thực hiện nhằm giúp giảm tải cho tuyến trên.

Giải pháp tiếp theo là ngay cả tuyến huyện cũng được chuyển giao công nghệ qua đề án chuyển giao khoa học kỹ thuật gọi là Đề án 1816 và một điều nữa rất khả thi là các bệnh viện có những sắp xếp, tổ chức khoa học hơn đối với bệnh nhân nằm nội trú… Đây là những kết quả không phải chạy theo thành tích mà phải có thực lực, các bệnh viện mới dám cam kết.

- Người dân đang rất băn khoăn tại sao một số bệnh viện lớn như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình… vốn quá tải, thường xuyên xảy ra nằm ghép vẫn chưa ký cam kết không nằm ghép, trong thời gian tới, Bộ trưởng sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đòi hỏi này của người dân là rất chính đáng, bởi những bệnh viện lớn này cũng như một số bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh như Ung bướu, Chấn thương Chỉnh hình…, cơ sở rất chật hẹp, nhưng chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới các bệnh biện trên sẽ có khả năng ký cam kết không nằm ghép. Thực tế hiện nay cho thấy các bệnh viện không có khả năng ký cam kết vì số giường bệnh không tăng.

Nhưng đối với Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, sẽ phải hình thành tòa nhà 19 tầng, cũng như việc khánh thành tòa nhà Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh và Chấn thương Chỉnh hình sẽ có cơ sở hai để các bệnh viện này giảm quá tải và ký cam kết trong thời gian tới.

Bộ Y tế và địa phương sẽ quyết liệt chỉ đạo tăng thêm số giường bằng cách xây thêm nhà mới và khởi công cơ sở hai. Bộ Y tế cũng tăng cường mạnh mẽ hơn nữa mạng lưới bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh để họ thực hiện chuyển giao, giảm bớt việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tích cực tuyên truyền cho người dân về những bệnh viện quá tải đó có bệnh viện quá tải thật, có bệnh viện quá tải ảo.

Trong nghiên cứu độc lập của chúng tôi, từ 30-60% bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối tại Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh có thể điều trị ở tuyến dưới và thời gian nằm viện có thể rút ngắn bởi quy trình khám chữa bệnh hiệu quả cho cả người dân và cho bệnh viện. Vì vậy, người dân cần tạo ra thói quen khám ở tuyến gần nhất. Bộ Y tế sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ để chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao.


- Theo Luật Bảo hiểm y tế mới áp dụng, bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình, vậy kinh phí sẽ rất tốn kém?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã được Quốc hội thông qua có điểm mới là bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình. Đây là kinh nghiệm các nước đã từng trải qua khi muốn thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, khi ở điều kiện kinh tế-xã hội giống Việt Nam hiện nay, là bắt buộc phải thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, mọi người dân mới được chia sẻ.

Bắt buộc bảo hiểm y tế không phải là tương trợ mà là quy chế tài chính để chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm trong cộng đồng, vì thế khi ta mua cho cả gia đình, nghĩa là ta chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm cho người trong gia đình trước, tiếp đó là chia sẻ với cộng đồng và từ đó, cộng đồng chia sẻ cho những người bị ốm. Và cách thức này sẽ khuyến khích càng nhiều người tham gia bảo hiểm càng tốt, thể hiện sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm trong cộng đồng, tránh được tình trạng chỉ có người ốm mua bảo hiểm.

Khi tham gia mua bảo hiểm y tế cho gia đình, quyền lợi được tăng lên. Mệnh giá trung bình hiện nay là 621.000 đồng, nếu từ người thứ 2, 3, 4, 5, sẽ chỉ phải đóng mức 80%, 70%, 50% và người thứ năm chỉ còn đóng 40% mệnh giá.

Như vậy có nghĩa là càng nhiều người tham gia thì mệnh giá phải đóng càng giảm. Những người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công được Nhà nước mua thẻ hoàn toàn và trả hết các chi phí theo bảo hiểm. Những đối tượng khác khi tham gia bảo hiểm ít nhất cũng được trả 80% chi phí khám chữa bệnh.

Với những phân tích ở trên, tôi cho rằng đây là gói dịch vụ mà người dân được hưởng cao nhất. Ở những nước xung quanh, mệnh giá của họ từ 80-120 USD, chỉ cho hưởng 4 loại thuốc điều trị ung thư, trong khi đó Việt Nam chỉ ở mức khoảng 30 USD được hưởng 10 loại thuốc và cả chạy thận nhân tạo, một số dịch vụ kỹ thuật cao tương đương với 40 tháng lương, bằng khoảng 40 triệu đồng đối với một lần điều trị kỹ thuật cao.

Khi tham gia trên 5 năm, người mua thẻ bảo hiểm còn được hưởng những quyền lợi cao hơn nữa. Trong lộ trình theo Nghị quyết của Quốc hội, giá dịch vụ phải tiến tới tính đúng, tính đủ mới đảm bảo giá trị thực của giá dịch vụ, thì rõ ràng tham gia bảo hiểm y tế sẽ có rất nhiều quyền lợi, tránh rủi ro cho mọi người.

- Luật Bảo hiểm mới được áp dụng từ ngày 1/1/2015, xin Bộ trưởng cho biết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Theo lộ trình, hiện nay có một số khó khăn như công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, hiệu quả cho nên nhiều người dân chưa thấy được nghĩa vụ cũng như quyền lợi của mình khi thực hiện đóng bảo hiểm theo hộ gia đình với mức đóng giảm đi rất nhiều; vẫn còn những phiền hà cho người dân khi tham gia bảo hiểm y tế.

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn nghĩ đây là trách nhiệm của bảo hiểm y tế, của xã hội, trong khi đây được coi là một trong những chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế mà chỉ có cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tham gia thì mới có thể đạt được mục tiêu cũng như huy động được các nguồn hỗ trợ. Việc đạt được tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân còn nhiều khó khăn, khi hiện nay mới chỉ đạt được hơn 70%.

Đối với các hộ cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ 70%, còn 30% phải tự đóng nhưng họ không muốn tham gia. Những hộ nghèo khi thoát nghèo thành hộ cận nghèo cũng không muốn tham gia bảo hiểm y tế mà vẫn trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước.

Hiện nhiều tỉnh, thành phố đã mua bổ sung 30% bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo, các nhà hảo tâm cũng đã tham gia mua 30% cho hộ cận nghèo. Nhưng còn khó khăn đối với các đối tượng như nông dân có mức sống trung bình, diêm dân hiện nay Nhà nước hỗ trợ 30%; sinh viên, học sinh được hỗ trợ 50%, phần còn lại cũng cần sự cố gắng.


Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục