Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Sáng 4/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 4/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Nội dung này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện; tổ chức xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan và cũng đã tổ chức một hội nghị trực tuyến vào cuối tháng Tư vừa qua.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tập trung kiến nghị những vấn đề xung quanh hoạt động lập pháp; hoạt động giám sát; quyết định các vấn đề quan trọng; cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội; tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động tiếp xúc cử tri và công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của Quốc hội.

Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng việc chậm gửi tài liệu của các cơ quan soạn thảo đến đại biểu thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng góp ý của các đại biểu Quốc hội, hạn chế nhiều thời gian nghiên cứu văn bản của các đại biểu. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần nâng cao hơn nữa chất lượng các báo cáo thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì, thẩm tra.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đánh giá có nhiều báo cáo thẩm tra các dự án luật thời gian qua làm chưa tốt, chất lượng chưa cao. Báo cáo thẩm tra phải nêu rõ những vấn đề tán thành, những vấn đề không tán thành, những vấn đề cần bổ sung, hoàn chỉnh và lý do cụ thể đối với dự án luật.

Đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) đề nghị cần có đánh giá, tổng kết làm rõ những hạn chế trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua, làm căn cứ để xây dựng phương hướng nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội theo hướng kiên quyết, thẳng thắn, dám tấn công vào các hạn chế, yếu kém. Đại biểu Tiến kiến nghị cần tăng thẩm quyền, thời gian làm việc, chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng phải có cơ chế phối hợp hợp lý giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật. Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội cần nâng cao tính chủ động trong việc lập các chương trình xây dựng pháp luật; cần thiết lập cơ chế để Quốc hội đối thoại trực tiếp với cơ quan soạn thảo thay vì chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu như hiện nay, nhằm nâng cao hơn chất lượng các dự án luật.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị duy trì thường xuyên hội nghị đại biểu chuyên trách vì thời gian qua, Quốc hội thường không hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đề ra. Về lâu dài, Quốc hội nên thành lập hội đồng lập pháp để hỗ trợ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát công tác xây dựng luật, pháp lệnh.

Đa số các ý kiến thảo luận đều tán thành và kiến nghị tăng cường nhiều hơn các phiên chất vấn, giải trình tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội giữa hai Kỳ họp. Các đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện cơ chế giám sát thực thi hậu chất vấn để đảm bảo vấn đề được giải quyết triệt để thấu đáo.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp, Quốc hội cần tăng cường tổ chức các Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội hoặc Hội nghị trực tuyến các đại biểu Quốc hội chuyên trách để xin ý kiến về các dự án luật. Thành phần tham dự, ngoài đại biểu Quốc hội có thể mời thêm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc lĩnh vực của dự án.

Một trong những nội dung của Đề án được các đại biểu quan tâm nhiều nhất, là hoạt động giám sát. Theo Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm công khai. Băn khoăn về cơ chế pháp lý đối với hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Vũ Hải Hà (Đồng Nai) dẫn chứng ở các nước, kết quả bỏ phiếu nếu bất lợi sẽ có hình thức bãi miễn, bãi nhiệm đối với chức danh được bỏ phiếu.

Đồng tình với việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế, tiêu chí bỏ phiếu, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) kiến nghị cần xây dựng hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường (bỏ phiếu bất tín nhiệm). Phạm vi, đối tượng bỏ phiếu chỉ nên tiến hành đối với các chức danh từ bộ trưởng trở lên.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) lại cho rằng không nên bỏ phiếu định kỳ hàng năm, mà chỉ nên bỏ phiếu bất thường đối với các chức danh được bỏ phiếu. Nêu quan điểm nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hai năm/lần vào năm thứ hai hoặc năm thứ tư trong nhiệm kỳ, đại biểu Vũ Trọng Kim (Quảng Ngãi) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương hoàn tất việc xây dựng quy chế để Quốc hội có thể sớm tiến hành vào đầu năm sau.

Hoàn toàn tán thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng hình thức này có liên hệ mật thiết đến vấn đề con người, công tác cán bộ, vì vậy cần có quy định chặt chẽ và tiến hành một cách hiệu quả, tránh hình thức.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) kiến nghị để việc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra có hiệu quả cao cần phải làm rõ và xây dựng cơ chế đồng bộ giữa Quốc hội với cơ quan quản lý cán bộ được bỏ phiếu tín nhiệm.

Cũng tại phiên thảo luận, liên quan đến công tác phục vụ, nhiều ý kiến đề nghị cần tách riêng Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ra khỏi Văn phòng Đoàn đại biểu Hội đồng Nhân dân do tính chất, đặc thù công việc khác nhau.

Có ý kiến đề nghị Quốc hội nên xây dựng cơ chế người phát ngôn để có tiếng nói thể hiện vai trò của Quốc hội trước mỗi vấn đề được đông đảo dư luận xã hội quan tâm, phát huy vị thế cơ quan giám sát tối cao, đồng thời đáp ứng nguyện vọng và sự trông đợi của đông đảo cử tri cả nước./.

Quang Vũ (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục