Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, ngày 6/11, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết quan trọng trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII.
Trong phiên làm việc buổi sáng, đại biểu Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết quán triệt và triển khai kịp thời, nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, hoạt động của hệ thống Tòa án Nhân dân tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác.
Các tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các nghị quyết của Quốc hội đề ra; một số lĩnh vực tuy chưa đạt được theo yêu cầu nhưng đã có nhiều tiến bộ rõ nét.
Các tòa án đã làm tốt và đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Tòa án Nhân dân Tối cao đã biên soạn giáo trình và tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo về kỹ năng tổ chức tranh tụng tại phiên tòa. Nhiều tòa án địa phương đã chủ động xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với Viện Kiểm sát cùng cấp tổ chức các “Phiên tòa mẫu," “Phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm”...
[Họp Quốc hội: Ngày đầu tiên tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn]
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành hai thông tư quy định về phòng xử án và quy chế tổ chức phiên tòa. Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng.
Việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án trên Cổng thông tin điện tử được các tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đến nay, gần 600.000 bản án, quyết định đã được công bố; hơn 23 triệu lượt truy cập nghiên cứu bản án và đánh giá tích cực về chất lượng các bản án.
Tòa án Nhân dân Tối cao đã đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được nâng cao. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đã đưa ra xét xử nghiêm minh...
Hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em
Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết thời gian qua, ngành đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Thông qua kiểm sát, Viện Kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 2.898 bị can; hủy 1.119 quyết định khởi tố bị can và 138 quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra thiếu căn cứ, trái pháp luật.
Tiến độ, chất lượng giải quyết án của Viện Kiểm sát đều đạt 99,9%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội; trong đó tỷ lệ truy tố đúng thời hạn vượt 4,9%, tỷ lệ truy tố đúng tội danh vượt 9,9%; số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm dần theo từng năm (năm 2017 giảm 36%; năm 2018 giảm 47,8%, năm 2020 giảm 42,1%).
Các trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm dần (năm 2016: 10 bị cáo; năm 2017: 9 bị cáo; năm 2018: 8 bị cáo; năm 2019: 04 bị cáo; năm 2020: 3 bị cáo).
Qua công tác kiểm sát, đã kịp thời phát hiện nhiều bản án, quyết định vi phạm pháp luật và ban hành hơn 5.600 kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội, qua đó, góp phần quan trọng khắc phục oan, sai trong giải quyết án hình sự.
Từ năm 2016 đến nay, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo toàn ngành thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng chất lượng điều tra, truy tố, giảm tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo đó, yêu cầu phân loại vụ, việc ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin tội phạm; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung do có lỗi của kiểm sát viên; quan tâm công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật, kịp thời giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cấp dưới trong giải quyết vụ án; quản lý chặt chẽ chuyên đề về trả hồ sơ để điều tra bổ sung; kiểm điểm rõ trách nhiệm của lãnh đạo, kiểm sát viên trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung do bỏ lọt tội phạm và người phạm tội...
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự trong giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chủ trì phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 06 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; tham gia góp ý xây dựng các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em quy định trong Bộ luật Hình sự; hướng dẫn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em; tổ chức nhiều lớp tập huấn về “Phòng, chống bạo lực gia đình” và “Phòng, chống bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em” cho cán bộ trong ngành.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; dự kiến ban hành vào cuối năm 2020./.