Ngày 6/12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa 19 khai mạc Kỳ họp thứ 15 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền, thảo luận tìm giải pháp đột phá, khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Đổi mới, tìm giải pháp đột phá
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung cho biết năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ 2021-2026, là dịp để đánh giá lại những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Bắc Ninh là tỉnh có cơ cấu kinh tế FDI lớn, đã bị tác động trực tiếp và bị sụt giảm sâu; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư thấp, thu hút đầu tư trong nước giảm... đã ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Năm 2023, GRDP giảm 9,28% so với năm 2022; 8/17 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023 chưa hoàn thành kế hoạch.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh, cùng sự điều hành quyết liệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh, đặc biệt là sự đồng thuận, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thách thức, nhờ đó tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,5%; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn vượt 9,5% so kế hoạch; thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp vượt 16,7% so kế hoạch; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả cải cách hành chính…
Đây là những điểm sáng để Bắc Ninh tiếp tục phát huy đồng thời cũng là động lực để tỉnh đổi mới trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực để lấy lại đà phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 đã đề ra.
Cho rằng với tình hình hiện tại, đặc biệt là xu hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh hiện nay, Bắc Ninh cần có những tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh đề nghị các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm; dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác tình hình thực tế nhằm phát huy các thành tích, điểm mạnh; chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để đưa ra những giải pháp phù hợp, tạo quyết tâm chính trị để vượt qua mọi khó khăn, thách thức nhằm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2024 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng: Bắc Ninh phải tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội
Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh tập trung xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình của các cơ quan liên quan để quyết nghị các vấn đề về tài chính ngân sách, đầu tư công...
Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ dành thời gian phù hợp thể hiện quyền giám sát trực tiếp đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về ba lĩnh vực: Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng.
Đây là những nhóm vấn đề được nhiều cử tri, nhân dân toàn tỉnh quan tâm và được các Ban, các Tổ và các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đăng ký, đề xuất.
Kỳ họp dành nhiều thời gian thảo luận tại các tổ và hội trường với kỳ vọng nâng cao được chất lượng các nghị quyết, có nhiều ý tưởng, giải pháp mang tính chất đột phá, đổi mới, quyết tâm, khát vọng phát triển tỉnh Bắc Ninh nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và điều hành của Ủy ban Nhân dân tỉnh năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến động, năm 2024, dự báo tình hình trong nước và trên địa bàn còn nhiều khó khăn, thách thức rất lớn.
Đặc biệt là kinh tế Bắc Ninh có độ mở lớn trong khi năng lực nội tại còn thấp; thị trường bất động sản, sản xuất công nghiệp điện tử; thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gặp khó khăn.
Bắc Ninh tập trung triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và các quy hoạch phân khu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại hiện đại, dịch vụ tiện ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh; tập trung quản lý chặt, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...
Cùng với đó, Bắc Ninh đề ra ba quyết tâm chính trị, 17 chỉ tiêu chủ yếu, 10 nhiệm vụ và giải pháp, nỗ lực khắc phục khó khăn, tồn tại, tranh thủ thời cơ để thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Bước sang năm 2024, tỉnh phấn đấu: GRDP tăng 5-6%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 75,83 triệu USD, tăng 3%; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 70.000 tỷ đồng, tăng 6,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 79%...
Tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh của làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bắc Ninh thu hút các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường.
Đồng thời phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao gắn với phát triển kinh tế đô thị; đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư các khu đô thị, các trường đại học, du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xây dựng chương trình, chính sách hỗ trợ Chuyển đổi Số doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, thúc đẩy các hoạt động tài chính, ngân hàng, đáp ứng nguồn vốn cho phát triển.../.