Chiều 19/6, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Diễn đàn “Nâng cao bản lĩnh chính trị của nhà báo trẻ Khối các cơ quan Trung ương trong giai đoạn hiện nay."
Diễn đàn nhằm phát huy vai trò của đội ngũ nhà báo trẻ Khối các cơ quan Trung ương trong tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, tích cực đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị đội ngũ nhà báo trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Dự và phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Lê Quốc Minh đánh giá trong bối cảnh của công nghệ thông tin, mạng xã hội, vấn đề nâng cao bản lĩnh chính trị của nhà báo trẻ trong giai đoạn hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với những giai đoạn trước. Đặc biệt, hiện cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, bản lĩnh chính trị càng được đặt ra khi các thế lực thù địch luôn lợi dụng để chống phá.
Trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị và toàn dân nỗ lực, quyết liệt, minh bạch thông tin, nhưng vẫn có nhiều thông tin quốc tế đặt ra nghi ngờ và có cả những thế lực xuyên tạc.
Theo ông Lê Quốc Minh, bản lĩnh chính trị đối với nhà báo trẻ không chỉ thể hiện qua tin bài, công việc chuyên môn, mà còn phải thể hiện trong lối sống, đời sống hằng ngày, trao đổi, tuyên truyền với người xung quanh cũng như trên mạng xã hội.
Không chỉ trong tác nghiệp báo chí, khi lên mạng xã hội, các phóng viên, nhà báo cũng cần chuyên nghiệp. Báo chí cần tăng cường lan tỏa những thông tin tích cực chứ không chỉ tập trung vào những vấn đề tiêu cực; tuyên truyền để người đọc tránh xa những thông tin giả (fake news).
Thời gian qua, TTXVN, Đoàn Thanh niên của TTXVN đã triển khai chương trình nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tin giả cho học sinh, sinh viên. Đây là chương trình được tổ chức rộng khắp trên 63 tỉnh, thành phố, với sự tham gia của đội ngũ phóng viên, nhà báo trẻ.
[Sức mạnh của báo chí khi 'nhìn thẳng, đánh giá đúng, nói rõ sự thật']
Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Minh mong muốn trong thời gian tới, chương trình này sẽ được các cơ quan báo chí khác ủng hộ, lan tỏa, góp phần trong công tác phòng, chống tin giả, nhất là trong thế hệ trẻ.
Tại Diễn đàn, các đại biểu, nhà báo trẻ, đoàn viên, thanh niên đã tập trung tham luận về những vấn đề trau dồi bản lĩnh chính trị, trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo trẻ Khối các cơ quan Trung ương; nâng cao bản lĩnh chính trị của nhà báo trẻ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện và đấu tranh với thông tin bịa đặt, xấu độc.
Phóng viên Nguyễn Hải Đăng (Báo Nhân Dân) cho rằng tích cực đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, mở rộng ra là tích cực đấu tranh chống lại cái xấu, cái chưa đẹp là bản chất thực sự của một nền báo chí tiến bộ. Đây cũng là tiêu chí hàng đầu, nếu không muốn nói tiêu chí quan trọng nhất của một cá nhân, tập thể khi lựa chọn công việc làm báo. Để nâng cao công tác lý luận, bản lĩnh chính trị của người làm báo trong kỷ nguyên số là một nhiệm vụ khó khăn, cấp bách. Quan trọng là người làm báo trẻ coi nhiệm vụ này cũng cần thiết như các công tác nghiệp vụ, thực tiễn.
Theo đại diện Đoàn Thanh niên của Bộ Thông tin và Truyền thông, gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin giả, làm ảnh hưởng đến công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội. Bởi vậy, cần thiết phải kiên trì xây dựng mỗi nhà báo trẻ trở thành một chiến sỹ trên mặt trận bảo đảm an ninh trên không gian mạng. Khi tiếp xúc với thông tin trên mạng xã hội, mỗi nhà báo trẻ cần kiểm chứng thông tin qua những nguồn khác nhau, bảo đảm thông tin tiếp nhận là đúng sự thật.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam là một trong 10 nước sử dụng Facebook nhiều nhất. Trong khi đó, Facebook là môi trường “lây lan” thông tin xấu, độc nhanh và mạnh nhất.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, việc nâng cao bản lĩnh chính trị của nhà báo trẻ trong việc nhận diện, đấu tranh với những thông tin bịa đặt, xấu độc trên mạng xã hội cần thực hiện tốt hơn.
Từ đó, các đại biểu đề ra một số biện pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức cho nhà báo trẻ về những thông tin xấu độc trên mạng xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, vai trò của đội ngũ nhà báo trẻ trong phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội cho đội ngũ nhà báo trẻ./.