Nạn phân bón giả: Tố cáo sai trái lại bị gán "trâu buộc ghét trâu ăn"

Nạn phân bón giả, kém chất lượng hoành hành, theo các chuyên gia là do sự chống chéo trong việc quản lý cũng như thiếu quyết liệt trong công tác đấu tranh, ngăn chặn.
Nạn phân bón giả: Tố cáo sai trái lại bị gán "trâu buộc ghét trâu ăn" ảnh 1Lực lượng Quản lý thị trường đang kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất kinh doanh phân bón giả (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp bất chấp những quy định thắt chặt hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón được ban hành thời gian qua.

Theo nhiều chuyên gia, nếu không có những hành động mạnh tay từ các cơ quan thực thi pháp luật thì quyền lợi của doanh nghiệp chân chính và trực tiếp là người nông dân sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đây là những ý kiến nổi bật được đưa ra tại hội thảo: "Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam-Thế giới và định hướng tái cơ cầu nền sản xuất phân bón Việt Nam," do Hiệp hội phân bón phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (12/10), tại Hà Nội.

Ma trận phân bón

Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến Đông, Nghị định 202/2013/NĐ-CP đã quy định phân bón là ngành sản xuất có điều kiện nhưng trên thực tế việc kiểm soát vẫn chưa hiệu quả, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn tăng lên nhanh chóng.

Hiện nay, có khoảng 1.000 doanh nghiệp nhưng có tới cả 10.000 nhãn mác do vậy mặt hàng phân bón như một ma trận, khó phân biệt đâu là sản phẩm của doanh nghiệp nào.

Cũng chính từ sự phức tạp trên đã tạo kẽ hở cho hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón giả tồn tại và khó kiểm soát, nhưng không dám tố cáo vì sợ "va chạm".

Vị lãnh đạo này cho biết, có thể biết rất rõ đơn vị nào làm ăn sai trái và vi phạm pháp luật nhưng rất khó để phản ánh lên các cơ quan chức năng bởi lẽ "​khi phản ánh lên thì có ý kiến cho rằng trâu buộc ghét trâu ăn"

Do vậy, đại diện Công ty cổ phần Tiến Đông đề nghị, Hiệp hội phân bón và các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để quản lý tốt hơn lĩnh vực phân bón, tránh để tình trạng chồng chéo giữa các bộ và các sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy rồi thì phải đưa lên trang thông tin của ngành để có thể nhận biết.

Cùng bức xúc này, đại diện Công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc cho rằng, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đối với sản phẩm của công ty rất nhiều trên thị trường nhưng vẫn chưa có giải pháp nào để xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc nêu ra một thực trạng là số lượng các mặt hàng phân bón ở Việt Nam đứng "top đầu" trên thế giới nhưng quản lý thì ôm không nổi.

"Trong khi cán bộ chuyên ngành phân bón còn chưa thể quản hết được các loại phân bón thì nông dân sao có thể nhận biết hết được? Cho nên, việc nông dân bị lừa dối, dùng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng cũng là điều dễ hiểu," lãnh đạo Công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc nêu ý kiến.

Nạn phân bón giả: Tố cáo sai trái lại bị gán "trâu buộc ghét trâu ăn" ảnh 2Các đại biểu dự hội thảo về Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam-Thế giới sáng 12/10, tại Hà Nội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hội thảo nhiều mà giải pháp thì chung chung

Câu chuyện về sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không phải là mới, theo nhận định của ông Nguyễn Đăng Nghĩa (nhà nghiên cứu khoa học về đất, môi trường), đã có nhiều cuộc hội thảo với sự góp mặt của lãnh đạo nhiều ngành nhưng nạn phân bón giả thì vẫn hoành hành.

Chỉ ra nguyên nhân theo vị chuyên gia này là do "hội thảo nhiều, nhưng giải pháp thì chung chung do vậy nếu cứ tiếp diễn tình cảnh như vậy năm này qua năm khác thì kết cục chỉ có nông dân là người chịu thiệt."

Trên thực tế, luật đã quy định Bộ Công Thương là cơ quan quản lý lĩnh vực phân vô cơ, trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì quản lý phân hữu cơ nhưng sự chống chéo về chức năng và nhiệm vụ, nhất là trong hoạt động cấp phép đã làm nảy sinh nhiều bất cập.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam rất bức xúc cho rằng, dù là ngành sản xuất có điều kiện nhưng nhiều cơ sở và doanh nhiệp làm ăn kiểm manh mún, chụp giật vẫn tồn tại được.

Số liệu mà Tập đoàn Hóa chất đưa ra trong bản quy hoạch ngành phân bón giai đoạn (2010-2015) chỉ gồm 300 doanh nghiệp nhưng thực tế theo điều tra của Hiệp hội Phân bón Việt Nam hiện đã lên tới gần 1.000 cơ sở sản xuất, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm gần một nửa.

"Ngành phân bón hiện vẫn còn tự phát, làm chưa đúng quy hoạch, thiếu định hướng nên tình trạng hàng giả, kém chất lượng vẫn hết sức tràn lan," ông Thúy nói.

Lãnh đạo Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng cảnh báo về thực trạng còn nhiều doanh nghiệp duy trì công nghệ "bằng cuốc xẻng" do vậy không thể làm ra phân bón cao cấp, đúng chất lượng.

Theo ông, những cơ sở nào không đủ tiêu chí về cán bộ kỹ thuật, đủ máy móc, phòng thí nghiệm thì phải dẹp ngay, không để núp bóng, trá hình làm ăn phi pháp.

"Đối với các doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón hữu cơ có sản xuất một phần nhỏ vô cơ từ 18-20% nên giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý còn doanh nghiệp chuyên sản xuất phân vô cơ, có tham gia sản xuất một phần từ 18-20% phân hữu cơ thì giao cho Bộ Công Thương quản lý," ông Thúy nêu kiến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục