​Nạn nhân trong vụ tấn công ở San Bernardino khởi kiện Apple

Các nạn nhân trong vụ khủng bố tại thành phố San Bernardino, bang California hồi tháng 12/2015, sẽ khởi kiện Apple nhằm buộc hãng này "bẻ khóa" điện thoại di động iPhone của một trong hai thủ phạm.
Cảnh sát vũ trang Mỹ bảo vệ một ga tàu điện ngầm. (Nguồn: AP)

Apple đang đứng trước sức ép pháp lý khi một số nạn nhân trong vụ khủng bố tại thành phố San Bernardino, bang California, hồi tháng 12/2015, sẽ khởi kiện hãng công nghệ này nhằm buộc Apple phải "bẻ khóa" điện thoại di động iPhone của một trong hai thủ phạm thực hiện vụ bạo lực trên nhằm hỗ trợ công tác điều tra.

Trong một tuyên bố ngày 21/2, cựu thẩm phán liên bang Stephen Larson cho hay ông sẽ đại diện cho một số nạn nhân trong vụ tấn công tại San Bernerdonp gửi đơn kiện Apple lên tòa án vào đầu tháng ​Ba tới.

Bộ Tư pháp Mỹ và các công tố viên tại San Bernardino đề nghị ông Larson làm đại diện cho các nạn nhân trong vụ tấn công này.

Theo ông Larson, những người bị hại có quyền tiếp cận thông tin liên quan đến tiến trình điều tra cũng như nguyên nhân của vụ tấn công khủng bố trên. Ông Larson không tiết lộ số nạn nhân tham gia vụ kiện này.

Động thái này tiếp tục thổi bùng cuộc tranh cãi căng thẳng giữa chính quyền Washington và tập đoàn Apple khi hãng này từ chối bẻ khóa điện thoại iPhone của Syed Rizwan Farook - một trong hai thủ phạm tấn công một trung tâm đào tạo người khuyết tật tại thành phố San Bernardino, bang California, khiến 14 người thiệt mạng và 22 người bị thương.

Lý do mà Apple đưa ra là nhằm bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng trước sự kiểm tra của các cơ quan chính phủ.

Trước đó, ngày 20/2 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiến nghị lên một tòa án liên bang tại bang California yêu cầu tòa án có lệnh buộc Apple hỗ trợ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) "bẻ khóa" điện thoại di động iPhone.

Bộ trên cho rằng đề nghị hỗ trợ của giới chức điều tra không đồng nghĩa với việc "mở cửa" tạo điều kiện cho tin tặc và tội phạm tấn công các thiết bị iPhone, cũng như không mang ý nghĩa Apple xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

Hồi đầu tuần trước, một thẩm phán tòa sơ thẩm ở Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Apple hỗ trợ các nhà điều tra FBI "phá khóa" chiếc điện thoại iPhone của một trong hai tay súng gây ra vụ khủng bố tại thành phố San Bernardino.

FBI đề nghị Apple giúp hủy chức năng tự xóa dữ liệu trên chiếc iPhone nhằm lấy thông tin từ thiết bị trên sau nhiều nỗ lực phá mật mã không thành. Apple đã phản đối phán quyết, tuyên bố hãng này không có phần mềm nào có chức năng này vì cho rằng sự tồn tại của một chương trình như vậy là "quá mạo hiểm."

Hãng cáo buộc yêu cầu của Chính phủ Mỹ là "vượt quá giới hạn", đồng thời cảnh báo việc thực hiện những hoạt động như vậy sẽ tạo ra một lỗ hổng an ninh cho các điện thoại iPhone.

Vụ việc đã khiến Apple trở thành đối tượng bị chỉ trích cho rằng hãng này đang cản trở một cuộc điều tra an ninh quan trọng. Tuy nhiên, nhiều hãng công nghệ Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Apple trong cuộc chiến pháp lý với FBI bao gồm Google, Facebook và Twitter.

Dự kiến, Apple sẽ có phản hồi chính thức về phán quyết của tòa án vào ngày 26/2 tới.

Việc Apple và Bộ Tư pháp Mỹ “lời qua tiếng lại” một lần nữa cho thấy những bất cập trong cuộc tranh cãi về cách thức lực lượng thực thi pháp luật và cơ quan tình báo nước này kiểm soát thông tin điện tử trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số và quyền riêng tư được nhiều hãng công nghệ đặt lên hàng đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục