Nạn nhân bị xâm hại đặt hy vọng vào Giáo hoàng

Các nạn nhân từng bị lạm dụng tình dục trong nhà thờ kêu gọi Giáo hoàng Francis "không khoan dung" với các vụ xâm hại.
Các nạn nhân từng bị lạm dụng tình dục trong nhà thờ đã kêu gọi tân Giáo hoàng Francis tiến hành cải cách Giáo hội Công giáo và "không khoan dung" với các vụ xâm hại đã phủ bóng lên Mật nghị vừa qua. "Thánh Francis là nhà cải cách vĩ đại nhất trong lịch sử của Giáo hội và Giáo hoàng Francis cũng phải làm điều tương tự" - tổ chức Mạng lưới những người sống sót sau khi bị các linh mục lạm dụng hay SNAP, cho biết. Jorge Bergoglio, Giáo hoàng đầu tiên tới từ châu Mỹ, đã chọn tên Giáo hoàng là Francis để tôn vinh Thánh Francis vùng Assisi, một người Công giáo Italy nổi tiếng vì sống giản dị. SNAP nói rằng hàng triệu đứa trẻ đang có nguy cơ bị các linh mục phạm tội ấu dâm hãm hại, bởi Giáo hội vẫn chưa đảo ngược chính sách che đậy các tố cáo lạm dụng tình dục kéo dài bấy lâu nay, thông qua việc chuyển các linh mục có vấn đề sang các xứ đạo khác nhau. SNAP nói rằng dòng Tên (Jesuit), nơi Francis xuất thân, có lịch sử "đầy vấn đề" liên quan tới ấu dâm. Tổ chức cho rằng Francis có "cả một cơ hội và trách nhiệm lớn trong việc giúp ngăn chặn các vụ tấn công tàn ác nhằm vào trẻ em tại bộ phận quan trọng và vẫn còn khá bí mật này của Công giáo." [Bê bối ấu dâm che phủ cuộc bầu chọn giáo hoàng] "Rất ít thông tin liên quan tới cuộc khủng hoảng (lạm dụng tình dục) đã được khui ra ở Trung và Nam Mỹ. Chúng tôi lo lắng về sự an toàn của trẻ em trong các nhà thờ ở đó" - SNAP nói - "Vì sự an toàn của những đứa trẻ và để giúp các nạn nhân chữa lành vết thương, chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ bắt đầu bằng việc nêu danh các linh mục phạm tội, cả hiện nay và trước kia, cả đang sống và đã chết, ngay trong tổng giáo phận." Vụ bê bối lạm dụng tình dục đã phủ bóng lên trên mật nghị bầu Francis.

Báo chí Argentina ca ngợi Giáo hoàng là một người sống giản dị (Nguồn: AFP)
SNAP đã kêu gọi việc loại bỏ hơn một chục Hồng y bị cáo buộc đã che đậy các vụ lạm dụng hoặc đưa ra các bình luận sống sượng về các vụ bê bối, ra khỏi mật nghị. Song phát ngôn viên Vatican Federico Lombardi đã bảo vệ các Hồng y và còn cáo buộc SNAP cùng các nhà hoạt động khác đã thể hiện "nhiều định kiến tiêu cực." Trong khi đó Giáo hội Công giáo Mỹ đã ca ngợi Francis là "con người vì nhân dân". Ông nổi tiếng sống giản dị dù là Tổng giám mục. Ông thường đi lại trên những chiếc xe buýt của thành phố, tự chuẩn bị bữa ăn và rất dễ gần, ai cũng có thể tiếp xúc được với ông. [Nhà thờ Mỹ trả 10 triệu USD cho nạn nhân ấu dâm] Nhưng phát ngôn viên tổ chức Công giáo Đoàn kết Christopher Hale cũng thừa nhận rằng khi bàn tới các vụ lạm dụng tình dục trong Nhà thờ, "chỉ xin lỗi chưa đủ." Ông nói với AFP rằng "các linh mục đã lạm dụng tình dục trẻ em phải vào tù chứ không phải tới các giáo phận của chúng tôi." Còn theo Eric LeCompte, Giám đốc điều hành tổ chức tôn giáo Julibee USA chuyên giúp đỡ người nghèo, việc Giáo hoàng lựa chọn cái tên Francis cho thấy trong thời gian cầm quyền của mình, ông sẽ dành nhiều tâm huyết cho "sự công bằng, hòa bình và người nghèo". "Giáo hoàng Francis sẽ đứng lên bảo vệ quyền lợi của người dân nghèo, người nhập cư và người lao động" - ông nói. Các cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới đã bày tỏ hy vọng rằng tân Giáo hoàng sẽ củng cố "mối quan hệ gần gũi" đã phát triển trong 2 thập kỷ qua giữa người Do Thái và Giáo hội Công giáo. Theo Ronald Lauder, trước khi trở thành Giáo hoàng Francis đã luôn lắng nghe các mối quan tâm của giáo dân. "Tôi tin rằng Giáo hoàng Francis sẽ tiếp tục là một người đàn ông tích cực đối thoại, người có thể xây nhịp cầu nối các niềm tin khác nhau."

Các thành viên mạng lưới SNAP ở Mỹ lên tiếng kêu gọi Giáo hoàng bài trừ tận gốc nạn xâm hại trong Giáo hội (Nguồn: AFP)
Lauder bày tỏ tin tưởng rằng Francis sẽ "lên tiếng chống lại mọi dạng bài Do Thái cả ở trong và ngoài Giáo hội Công giáo, rằng ông sẽ có hành động chống lại các linh mục bác bỏ hoặc thu nhỏ tầm vóc của sự kiện Diệt chủng Do Thái và rằng ông sẽ tăng cường quan hệ của Vatican với Israel."/.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục