Chấn chỉnh nạn "hung thần" xe quá tải

Nạn "hung thần" xe quá tải: Cần chữa bệnh từ gốc

Theo đại diện các cơ quan chức năng, xe quá tải muốn xử lý tận gốc thì cần phải “siết” chặt ngay từ nguồn hàng, khâu đăng kiểm.
Kiểm tra xe quá tải trên Quốc lộ. (Ảnh: TTXVN)

Theo đánh giá của liên ngành Bộ Giao thông Vận tải-Bộ Công an, xe quá tải lưu thông trên đường bộ đang diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng khiến nhiều tuyến Quốc lộ huyết mạch bị hư hỏng nặng, gây khó khăn cho công tác khắc phục sự cố, thiệt hại rất lớn về kinh phí và quan trọng hơn là làm giảm tuổi thọ của công trình.

Để giải quyết thực tế này, theo đại diện các cơ quan chức năng, ngoài việc tăng cường kiểm soát xe quá tải qua các trạm cân di động, cố định thì cần phải xử lý tận gốc vấn đề chính là xe chở nguồn hàng ở các kho cảng, bến bãi đồng thời cũng phải “siết” chặt việc nhập khẩu xe qua đăng kiểm.

Giải pháp trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về việc tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an vào chiều nay (11/12).

Thủ phạm cũng là nạn nhân

Sau một thời gian triển khai “siết” xe quá tải ở nhiều địa phương bằng trạm cân lưu động, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, số lượng xe ôtô vi phạm quy định về chở hàng hóa quá khổ, quá tải lưu thông trên đường đã giảm đáng kể.

"Các xe vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của các doanh nghiệp vận tải và dư luận xã hội,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá.

Trên cơ sở hiệu quả bước đầu của nỗ lực kiểm soát tải trọng xe, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, ngành giao thông và công an các địa phương cần làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động vận tải tại các cảng, kho bãi, các khu công nghiệp, trên tuyến giao thông, các điểm dừng xử lý, kho bãi hạ tải và các đường lân cận... Các tuyến đường có nhiều xe quá tải phải duy trì việc kiểm soát và có tổ tuần tra lưu động kiểm soát các tuyến đường lân cận trong địa bàn có xe chạy vòng tránh.

Tuy nhiên, đại diện các lãnh đạo Bộ ngành và địa phương cũng nhìn nhận, lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát, xử lý xe quá tải bởi còn một bộ phận không nhỏ các chủ hàng, lái xe doanh nghiệp vận tải vẫn cố tình vi phạm hoặc tìm mọi cách để trốn tránh sự kiểm tra.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Đại tá Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái phân tích, do địa hình trên địa bàn đồi núi, lại có nhiều khúc cua trong khi cân điện tử nhạy cảm với độ ẩm nước trên đường. Các lái xe tìm mọi thủ đoạn như tưới nước lên lốp xe để cân điện tử bị sai lệch, đường trơn trượt để hòng “né” qua các tuyến đường tránh, đường tỉnh lộ.

“Khi các cơ quan chức năng làm nghiêm thì các đơn vị vận tải không chở hàng lên các nhà máy dẫn đến việc ngừng hoạt động sản xuất, đe dọa đời sống công nhân và gây áp lực kinh tế cho tỉnh,” Đại tá Đặng Trần Chiêu lưu ý.

Đồng tình quan điểm đó, đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tỉnh đã được trang bị trạm cân lưu động trong tháng 9 nhưng các phương tiện vượt trạm rất nhiều, nhất là vào thời điểm lực lượng giao ca hoặc mưa lớn, hoặc đi sang các đường tránh để "né" kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, hiện tượng xe chở quá tải một phần lỗi là ở các lái xe. Phạt chủ phương tiện chỉ là giải quyết phần ngọn mà vẫn chưa thể giải đáp được câu hỏi tại sao tài xế biết xe chở quá tải nhưng vẫn lưu thông trên đường?

“Người lái xe tìm cách ‘né’ trạm cân để chở hàng. Lái xe vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân do chủ hàng ép buộc giảm giá. Một số địa phương viện ra lý do nếu siết chặt kiểm soát tải trọng như thế thì làm ảnh hưởng phát triển kinh tế địa phương, thậm chí, còn có sự can thiệp vào quá trình kiểm soát, xử lý xe vi phạm,” ông Thanh thẳng thắn.

“Siết” từ nguồn hàng, khâu đăng kiểm

Muốn hạn chế tình trạng xe chở quá tải, đại diện các Bộ và địa phương đều nêu quan điểm, các lực lượng phải có quy định kiểm soát tải trọng ở các cảng biển, kho hàng, bến bãi; tăng cường xử lý nghiêm minh kết hợp với công tác tuyên truyền đến doanh nghiệp vận tải đồng thời siết chặt khâu đăng kiểm phương tiện.

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, 80% xe trên đường xuất phát từ các cảng sông, cảng biển, kho, nếu ngăn chặn được thì sẽ giảm nhiều nạn xe quá tải.

“Các cảng hiện nay đều có hệ thống cân nên kiểm soát được lượng hàng. Song nếu cảng nào làm chặt thì hàng hóa lại chuyển sang các cảng khác gây mất cân đối. Do vậy, cần có chế tài bổ sung với các chủ xe, cảng biển khi xe chở quá tải.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng cho biết, quy định khi xe quá tải phải lập biên bản vi phạm, phải dỡ bỏ phần quá tải song việc này không khả thi mà cần phải có giải pháp kiên quyết hơn là giữ xe vi phạm đồng thời vấn đề bảo quản hàng hóa trên xe thì chủ hàng phải chịu trách nhiệm,” ông Thanh khẳng định.

Chia sẻ những kinh nghiệm xử lý phương tiện quá tải trong thời gian vừa qua, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) đánh giá, xe quá tải bị xử lý trên đường chỉ là phần ngọn mà gốc của vấn đề chính là xử lý từ các kho cảng dựa vào năng lực dự báo vận tải của ngành giao thông.

“Nhiều chủ xe phát hiện có lực lượng kiểm soát, xử lý đều trốn tránh. Do đó, lực lượng chức năng phải trinh sát nắm tình hình để chặn bắt, đặc biệt cần phải tuyên truyền đến chủ hàng, kho bãi để đánh động. Nếu dải quân ra đường thì không thể nào ‘siết’ hết được vi phạm. Kế hoạch năm 2014 sẽ siết chặt kỷ cương làm từ gốc là kho hàng, bến bãi. Phương thức, công cụ hỗ trợ phải đồng bộ,” Đại tá Trần Sơn Hà khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho rằng, Cục Đăng kiểm phải tăng cường kiểm tra đột xuất phương tiện trên đường, thay đổi kích thước hình dáng phương tiện, sử dụng thiết bị ghi nhận vi phạm. Tổng cục cũng tiếp tục mua 57 bộ cân để trang bị cho các địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhìn nhận, vi phạm an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn là vấn đề bức xúc trong đó, xe chở quả trọng tải cho phép của cầu, đường, ảnh hưởng các công trình giao thông.

“Công tác quản lý Nhà nước còn buông lỏng, chưa quản lý lái xe, chủ xe, chủ hàng chạy theo lợi nhuận, bất chấp nguy cơ chở quá tải, công tác xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn như kho bãi, hạ tải, chi phí hạ tải,” Đại tướng Trần Đại Quang chỉ rõ nguyên nhân tồn tại.

Trên cơ sở kết quả thí điểm xử lý xe quá tải trên các tuyến Quốc lộ cả nước thời gian qua, Đại tướng Trần Đại Quang thẳng thắn chỉ ra, chủ hàng và lái xe vi phạm chở quá tải rất phổ biến nhưng khi bị xử lý thì thái độ bất hợp tác, phản ứng quyết liệt. thậm chí có trường hợp cán bộ thực thi công vụ bị các đối tượng này tấn công.

“Công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật là giải pháp hết sức quan trọng. Đề nghị lái xe, chủ hàng ủng hộ việc xử lý, nghiêm túc từ khâu xếp hàng xuất bến vì khi bị xử lý thì khâu hạ tải rất khó khăn lại tốn kém, cần chi phí, phương tiện,” người đứng đầu ngành Công an khẳng định.

Ngoài ra, Đại tướng Trần Đại Quang cũng cũng lưu ý, các Bộ, ngành địa phương có biện pháp phòng ngừa tiêu cực, nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thẳng thắn tiếp thu các ý kiến đóng góp. Người đứng đầu Bộ này cũng nhấn mạnh, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng xe quá tải, thì các bộ ban ngành, địa phương phải quyết tâm hành động một cách đồng lòng, đồng bộ, đồng tâm và đồng khởi.

“Khi xử lý, lực lượng chức năng phải đảm bảo công khai, công bằng, nghiêm minh, phải cam kết không tiêu cực. Hơn nữa, nhân dân cũng phải vào cuộc thường xuyên kiểm tra, giám sát phát hiện tiêu cực,” Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục