Năm yếu tố chi phối biến động của giá dầu thô thế giới

Các chuyên gia phân tích nhận định hiện có năm yếu tố chính tác động lên giá dầu thô hiện nay cũng như triển vọng tăng giá trong thời gian tới.
Năm yếu tố chi phối biến động của giá dầu thô thế giới ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Caracas, Venezuela. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dầu thô bắt nhịp tăng giá kể từ giữa năm 2016 và lần đầu tiên trong gần bốn năm qua, “vàng đen” đã tăng lên mức cao 75 USD/thùng.

Các chuyên gia phân tích nhận định hiện có năm yếu tố chính tác động lên giá dầu thô hiện nay cũng như triển vọng tăng giá trong thời gian tới.

Yếu tố thứ nhất là cán cân cung-cầu. Lý do đơn giản nhất đằng sau sự tăng giá của dầu mỏ là thị trường này bị thắt chặt trong 18 tháng trở lại đây.

Phần lớn lượng dầu lưu kho trong suốt giai đoạn dư thừa dầu mỏ từ năm 2014-2016 đã được đem ra sử dụng, do nhu cầu dầu tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ, cộng thêm các nỗ lực cắt giảm nguồn cung dầu mỏ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga.

Trong ba năm qua, nhu cầu dầu thế giới đã tăng trên 5 triệu thùng/ngày (tương đương trên 5%) và tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu được dự báo sẽ lần đầu tiên đạt ngưỡng 100 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Trong bối cảnh này, lượng dầu mỏ lưu kho có thể tăng lên để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy lọc dầu.

[Venezuela đề xuất giảm 30% giá dầu cho Ấn Độ nếu mua qua bằng tiền ảo]

Chuyên gia năng lượng Olivier Jakob thuộc Petromatrix cho rằng thị trường dầu mỏ hiện không bị thắt chặt quá mức, song với việc lượng dầu dư thừa không còn, dầu thô đang đứng trước triển vọng tăng giá rõ rệt.

Quyết định liên quan đến kế hoạch cắt giảm nguồn cung dầu của OPEC và Nga là yếu tố thứ hai tác động đến giá dầu thô.

Nếu lượng dầu lưu kho trở lại gần mức bình thường, liệu OPEC và Nga có ngừng chương trình cắt giảm nguồn cung dầu mỏ đi 1,8 triệu thùng/ngày được thực hiện từ đầu năm 2017 hay không?

Phần lớn các nhà giao dịch cũng như giới phân tích dầu mỏ không tin vào khả năng này.

Bất chấp những mối quan ngại về sức ép cạnh tranh từ dầu đá phiến của Mỹ khi giá dầu ở trên ngưỡng 70 USD/thùng, Nga sẽ vẫn đồng hành với OPEC trong các quyết định về sản lượng.

Theo nhà phân tích Bill Farren-Price thuộc Petroleum Policy Intelligence, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy OPEC muốn hạn chế đà lên giá của dầu thô hiện nay.

Rủi ro địa-chính trị là yếu tố tác động thứ ba. Nguy cơ rủi ro gần nhất hiện nay theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng là Tổng thống Mỹ Donald Trump rất có khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Nguy cơ thứ hai là Venezuela, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và kinh tế tại nước này đã khiến sản lượng giảm ít nhất 500.000 thùng/ngày, trong khi tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA ít có khả năng đảo ngược được chiều hướng này.

Không loại trừ Mỹ sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela. Xung đột giữa Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất OPEC, và lực lượng nổi dậy Houthis ở Yemen được Iran hậu thuẫn là một nguy cơ không nhỏ có thể làm gián đoạn trực tiếp nguồn cung dầu mỏ của Saudi Arabia.

Trong khi đó, với sản lượng hồi phục lên mức khoảng 1 triệu thùng/ngày, Libya vẫn trong tình trạng bất ổn lớn kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát cách đây bảy năm.

Các hoạt động đầu cơ là yếu tố thứ tư tác động đến giá dầu trong bối cảnh các quỹ đầu cơ bị hấp dẫn vào thị trường dầu mỏ, với các hoạt động đầu cơ giá lên ở mức cao kỷ lục từ đầu năm nay.

Các quỹ đầu cơ đang thu được lợi lớn từ sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường bắt nguồn từ việc nguồn cung bị thắt chặt.

Nguồn cung dầu đá phiến Mỹ được cho là yếu tố thứ năm có thể ảnh hưởng đến biến động của giá dầu.

Mặc dù sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang tăng mạnh hơn dự đoán, với mức tăng ước gần 10% (1,4 triệu thùng/ngày) trong năm nay, song giới phân tích cho rằng chừng đó vẫn chưa làm chệch đà tăng của giá dầu trong năm nay, trong bối cảnh nhu cầu dầu đang tăng mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục