Năm xu thế sử dụng năng lượng tác động đến tương lai khí hậu

IEA dự báo rằng các chính sách năng lượng mà các quốc gia đang triển khai có thể là nguyên nhân khiến lượng khí thải nhà kính toàn cầu tiếp tục gia tăng trong 20 năm tới.
Năm xu thế sử dụng năng lượng tác động đến tương lai khí hậu ảnh 1Các tấm năng lượng Mặt Trời được lắp đặt dọc vịnh Marina, Singapore. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuabin gió, tấm pin năng lượng Mặt Trời và các phương tiện chạy bằng điện đang phát triển nhanh hơn nhiều so với dự đoán trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của nguồn năng lượng sạch này dù có nhanh đến mấy cũng không đủ để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã kết luận như vậy trong báo cáo “Triển vọng Năng lượng Toàn cầu” hằng năm dài 810 trang, dự báo xu hướng năng lượng toàn cầu đến năm 2040.

Báo cáo đã đưa ra một cảnh báo nghiêm túc về biến đổi khí hậu, dự báo rằng các chính sách năng lượng mà các quốc gia đang triển khai có thể là nguyên nhân khiến lượng khí thải nhà kính toàn cầu tiếp tục gia tăng trong 20 năm tới.

Lý do là sự thèm khát năng lượng của thế giới tiếp tục tăng và sự gia tăng của năng lượng tái tạo vẫn chưa đủ nhanh để đáp ứng tất cả nhu cầu phát sinh. Kết quả là việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, tiếp tục gia tăng để đáp ứng nhu cầu còn lại của thế giới.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng nếu không có chính sách mới, thế giới sẽ bỏ lỡ các mục tiêu khí hậu của mình. Theo ông, có 5 xu thế sử dụng năng lượng sẽ tác động đến tương lai khí hậu của chúng ta.

Điện tái tạo sẽ sớm vượt qua than

Việc tiêu thụ than của thế giới, loại nhiên liệu bẩn nhất, đang bắt đầu chững lại. Cùng với việc đầu tư toàn cầu vào các nhà máy nhiệt điện than mới chững lại đáng kể trong những năm gần đây, nhiều nước như Ấn Độ cũng đang ngày càng nhận ra rằng sự kết hợp giữa pin Mặt Trời và pin dự trữ có thể là một cách rẻ hơn để sản xuất điện.

Theo dự báo của IEA, với các chính sách hiện tại, năng lượng tái tạo như gió, điện Mặt Trời và thủy điện sẽ vượt qua nhiên liệu than đá trở thành nguồn sản xuất điện chiếm ưu thế trên thế giới vào năm 2030, đóng góp tới 42% sản lượng điện toàn cầu. Trong khi than sẽ giảm xuống còn 34%. Khí tự nhiên, sạch hơn than nhưng vẫn tạo ra nhiều khí thải làm nóng hành tinh, cũng chiếm mất thị phần của than đá.

Tuy nhiên, IEA lưu ý rằng than "còn lâu mới chết": hàng trăm nhà máy than đã được xây dựng ở châu Á, có tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 12 tuổi và vẫn có khả năng hoạt động trong nhiều thập kỷ tới. Thế giới sẽ vô cùng khó khăn để giảm nhanh lượng khí thải nhà kính, nếu các nhà máy này không giảm dần hoạt động, như “nghỉ hưu” sớm hoặc trang bị thêm công nghệ để xử lý ô nhiễm carbon dioxide và chôn vùi dưới lòng đất. Hiện công nghệ thu giữ carbon này vẫn rất tốn kém.

Gió ngoài khơi phát triển và đóng vai trò chủ đạo

Trong nhiều năm, đối với hầu hết các nước, việc lắp đặt tuabin gió trên đất liền rẻ hơn nhiều. Song, với một số khu vực như Biển Bắc châu Âu, các công ty năng lượng gần đây đã lắp đặt các tuabin lớn ngoài khơi có thể “thu hoạch” được lượng gió ổn định và mạnh hơn nhiều. Với chi phí giảm đáng kể, công nghệ này đang ngày càng trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với một số quốc gia.

Gió ngoài khơi hiện cung cấp 2% điện năng của Liên minh châu Âu; IEA dự đoán sản lượng này sẽ tăng gấp 9 lần vào năm 2040. Các công ty cũng đang lên kế hoạch xây dựng các trang trại gió lớn ngoài khơi Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu các tập đoàn kinh tế được cấp phép, gió ngoài khơi có thể trở thành một công cụ quan trọng để cắt giảm khí thải trong những năm tới.

Dòng xe S.U.V đang xóa đi những tiến độ từ xe điện

Năm ngoái, người tiêu dùng trên khắp thế giới đã mua 2 triệu ôtô điện, được sản xuất từ sự kết hợp giữa chi phí pin thấp và những khuyến mại hào phóng ở một số nơi như Trung Quốc và bang California, Mỹ.

IEA dự báo việc mua ôtô điện sẽ tăng tốc trên toàn thế giới và do đó, việc sử dụng xăng và dầu diesel cho ôtô trên toàn cầu có thể đạt đỉnh vào giữa những năm 2020, sau đó sẽ giảm liên tục.

[Báo Mỹ: Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo]

Tuy nhiên, dự đoán này đi kèm với một cảnh báo ngay cả khi các quốc gia thúc đẩy ôtô điện, thì cũng có ngày càng nhiều người Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ mua dòng xe S.U.V (xe thể thao đa dụng) lớn hơn, tiêu thụ nhiều xăng hơn so với ôtô thông thường. Nếu năm 2000, mới chỉ có 18% xe chở khách được bán trên toàn thế giới là dòng S.U.V, hiện con số này lên tới 42%.

Nếu “đam mê” dành cho dòng xe này vẫn tiếp tục, nó có thể xóa sạch nỗ lực không sử dụng dầu khi phát triển các dòng xe điện vốn còn non trẻ. Khi đó, một câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu các nhà sản xuất ô tô có thể tìm ra cách sản xuất và thuyết phục mọi người mua các phiên bản chạy bằng pin điện của các mẫu xe S.U.V. phổ biến.

Những nỗ lực đang chậm lại

Ngoài việc chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn, các quốc gia cũng có thể hạn chế lượng khí thải bằng cách nâng hiệu quả sử dụng năng lượng của các nhà máy, gia đình ở và phương tiện đi lại thông qua các chính sách như xây dựng mã và tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu.

Về lĩnh vực này, báo cáo của IEA cho rằng năm 2018, cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế toàn cầu, một thước đo hiệu quả, chỉ cải thiện được 1,2%, một tốc độ chậm nhất trong nhiều năm qua. Và những quốc gia đang làm suy yếu chính sách của họ, như Mỹ, chính quyền có kế hoạch khôi phục các tiêu chuẩn theo đó yêu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Năm xu thế sử dụng năng lượng tác động đến tương lai khí hậu ảnh 2Trang trại điện gió của Anh ở Biển Bắc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Birol lưu ý rằng ngày nay, 2 trong số 3 tòa nhà trên toàn thế giới được xây dựng mà không có mã hoặc tiêu chuẩn về năng lượng hiệu quả. Trong khi những tòa nhà này có thể tồn tại 5 đến 6 thập kỷ, vậy nên việc tập trung vào hiệu quả là rất quan trọng.

Châu Phi - lục địa có vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lượng

Báo cáo năm nay của IEA cũng nêu bật vai trò của châu Phi, châu lục được dự báo sẽ đô thị hóa trong vài thập kỷ tới với tốc độ nhanh hơn Trung Quốc đã thực hiện trong những năm 1990 và 2000.

Nếu châu Phi theo đuổi con đường phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển như Trung Quốc đã từng làm, thì khí thải nhà kính có thể tăng đáng kể.

Tuy nhiên, có nhiều lý do để nghĩ rằng các quốc gia châu Phi có thể vạch ra một con đường "sạch hơn." Ví dụ, lục địa này chiếm có khoảng 40% tiềm năng năng lượng Mặt Trời của thế giới, nhưng mới chỉ có chưa tới 1% pin năng lượng Mặt Trời trên thế giới. Sự phát triển năng lượng ở châu Phi sẽ gây ngạc nhiên cho những ai không tin điều này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục