Một năm "vượt qua thử thách" của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Năm "vượt qua thử thách" của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Nếu dùng chỉ số sự tín nhiệm của người dân để làm thước đo đánh giá kết quả năm cầm quyền đầu tiên của một nhà lãnh đạo, quả thật Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có một năm thành công.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu dùng chỉ số sự tín nhiệm của người dân để làm thước đo đánh giá kết quả năm cầm quyền đầu tiên của một nhà lãnh đạo, quả thật Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có một năm thành công.

Khảo sát mới nhất của tổ chức Gallup Korea cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in lên tới 83%, tăng 10% so với thời điểm cách đây một tuần.

Khảo sát khác của hãng Realmeter công bố ngày 10/5 cho hay tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ của Tổng thống Moon Jae-in đã đạt mức cao kỷ lục, lên tới gần 57%.

Đây là mức ủng hộ cao nhất mà đảng cầm quyền ở Hàn Quốc từng đạt được.

Quyết sách “thuận lòng dân” 

Tất cả những số liệu ấy cho thấy Tổng thống Moon Jae-in đã có những quyết sách “thuận lòng dân” để vượt qua năm cầm quyền đầy thử thách đầu tiên.

Ngày 10/5 năm ngoái, ông Moon Jae-in bước vào Nhà Xanh đúng thời điểm nhạy cảm cả về đối nội và đối ngoại, khi người tiền nhiệm Park Geun-hye phải rời nhiệm sở vì bê bối chính trị và những gì vị Tổng thống thứ 19 của xứ sở Kim Chi Moon Jae-in tiếp quản khi đó là hàng loạt khó khăn kinh tế, chia rẽ nội bộ sâu sắc, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa hạ nhiệt, quan hệ đang trục trặc với Trung Quốc, Nhật Bản và cả với Mỹ.

[Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in tăng mạnh lên mức 83%]

Đánh giá một năm trên cương vị tổng thống, ông Moon Jae-in thừa nhận rằng năm qua là "một năm hoạt động không ngừng nghỉ" và ông đã "nỗ lực để mỗi người dân Hàn Quốc đều có thể tự hào vì mình là công dân đất nước Hàn Quốc."

Đột phá trong chính sách đối ngoại

Dấu ấn nổi bật trong một năm cầm quyền của ông Moon Jae-in đã được tô đậm bởi những kết quả ấn tượng đặc biệt trong chính sách đối ngoại.

Chính sách kiên trì, mềm dẻo và khéo léo của Tổng thống Moon Jae-in đã thực sự tạo bước đột phá cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, điều mà khi ông nhậm chức không ai có thể tưởng tượng nổi, nhất là sau hàng loạt vụ phóng tên lửa và vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2017.

Tổng thống Moon Jae-in đã ghi điểm trong việc hòa giải hai miền Triều Tiên và nỗ lực này đang bắt đầu “đơm hoa kết trái," với việc Bình Nhưỡng nhất trí hướng tới các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sau nhiều năm áp dụng chiến thuật cảnh báo hay đe dọa.

Sau hàng loạt nỗ lực tìm cách hạ nhiệt căng thẳng mà ông Moon Jae-in theo đuổi, không khí hòa giải trên trên bán đảo Triều Tiên, mà đỉnh điểm là cuộc gặp liên Triều lịch sử ngày 27/4 vừa qua, không những đã đặt những viên gạch nền tảng cho tương lai hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, mà còn đưa ông "đi vào lịch sử" với tư cách vị tổng thống thứ ba của Hàn Quốc có cuộc gặp với một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đồng thời, ông cũng là nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên làm được điều này trong thời gian ngắn nhất, ngay trong năm đầu tiên cầm quyền!

Tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In khi nhậm chức rằng ông sẵn sàng đến thăm Triều Tiên trong hoàn cảnh "thích hợp" đã được "hiện thực hóa" theo một cách rất tích cực và mang nhiều ý nghĩa. Hình ảnh ông cầm tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước qua ranh giới quân sự chia cắt hai miền để đi vào lãnh thổ Triều Tiên hôm 27/4 vừa qua đã mang một hàm xúc đặc biệt không những của Triều Tiên và Hàn Quốc mà còn của cả thế giới.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ở Panmunjom ngày 27/4 vừa qua. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Cách tiếp cận khôn khéo thông qua chính sách ngoại giao độc lập của Tổng thống Moon Jae-in phần nào đã giúp Hàn Quốc cân bằng được quan hệ với nước lớn, trong khi đảm bảo ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

Kể từ khi trúng cử hồi tháng 5/2017, Tổng thống Moon Jae-in đã theo đuổi đối thoại với Bình Nhưỡng, điều mà những người chỉ trích cảnh báo có thể dẫn tới rạn nứt quan hệ với Washington.

Tuy nhiên, qua thời gian, những mối lo ngại này cho thấy không có cơ sở vì Seoul đã thận trọng duy trì sự phối hợp chặt chẽ với đồng minh Washington; đồng thời xây dựng lòng tin với Bình Nhưỡng với thông điệp trước sau như một: không có ý định thay đổi chế độ ở Triều Tiên hoặc thống nhất hai miền bằng vũ lực.

Quan hệ đồng minh vững chắc với Mỹ được duy trì và củng cố, trong khi vai trò và uy tín của Hàn Quốc trong khu vực ngày càng gia tăng sau những thành công trong vấn đề liên quan hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Cũng ngay sau khi nhậm chức, ông Moon Jae-in đã cử một loạt đặc phái viên tới một loạt đối tác quan trọng nhằm thảo luận vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ với các nước trên.

Kết quả của chính sách chủ động này là hàng loạt khúc mắc đã được tháo gỡ thông qua đối thoại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Hàn Quốc để đưa quan hệ song phương trở lại bình thường trên cơ sở củng cố lòng tin chính trị lẫn nhau và giải quyết một cách hợp lý các bất đồng, trong đó có căng thẳng xung quanh Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Quần đảo tranh chấp mà Hàn Quốc gọi là Dokdo trong khi Nhật Bản gọi là Takeshima. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nhất trí nối lại "ngoại giao con thoi" giữa hai nhà lãnh đạo, vốn đã bị đình trệ từ tháng 12/2011 do những căng thẳng liên quan vấn đề "phụ nữ mua vui" cùng tranh chấp xung quanh quần đảo cực Đông Hàn Quốc mà Seoul gọi là Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi đó từng bày tỏ mong muốn “xây dựng một mối quan hệ hướng tới tương lai với chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae-in."

Thúc đẩy vai trò quốc gia bằng mở rộng chiến lược kinh tế

Một dấu ấn đối ngoại được đánh giá là khác biệt với những người tiền nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in là việc ông thúc đẩy vai trò của Hàn Quốc thông qua các chiến lược mở rộng hợp tác kinh tế để cùng phát triển và hướng tới sự thịnh vượng chung, như tập trung chiến lược vào Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong chính sách “Hướng Nam mới."

Tổng thống Hàn Quốc đã tìm cách thúc đẩy quan hệ với ASEAN, khu vực nằm ở trục tăng trưởng của châu Á kết nối Ấn Độ với Trung Quốclên mức ngang bằng quan hệ giữa Seoul với bốn cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, do đánh giá cao vai trò địa chính trị, tiềm năng tăng trưởng và các nguồn tài nguyên giàu có của các nước thành viên hiệp hội này.

Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam, Indonesia, Philippines... ngay trong năm đầu tiên cầm quyền đã thể hiện tầm nhìn mới của nhà lãnh đạo Moon Jae-in trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, ông cũng triển khai chính sách "Hướng Bắc mới" để thúc đẩy hợp tác với vùng Viễn Đông của Nga, Trung Á, Mông Cổ... qua đó giảm sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc.

Về đối nội, có thể nói Tổng thống Moon Jae-in đã phần nào hạn chế được tình trạng chia rẽ chính trị nội bộ bởi ngay sau đắc cử ông đã cam kết thiết lập quan hệ hợp tác với các đảng đối lập để cùng giải quyết những thách thức chung.

Trong một năm qua, mặc dù chịu không ít cuộc công kích chính trị của phe diều hâu, như trong cách tiếp cận với vấn đề Triều Tiên, song ông Moon Jae-in đã khiến nhiều người phải “ngả mũ” trong những cách ứng xử linh hoạt để dàn xếp những bất đồng giữa các chính đảng.

Trong khi đó, chính sách kinh tế "đặt trọng tâm vào con người" đã thu được những kết quả khả quan ban đầu.

Các chỉ số kinh tế sáng sủa của Hàn Quốc cho thấy nước này đã thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài và bước vào giai đoạn khởi sắc.

Các container hàng hóa tại cảng Busan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp những ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp trả đũa của Trung Quốc liên quan THAAD, năm ngoái, kinh tế Hàn Quốc đã phục hồi và tăng trưởng 3%, mức tăng cao nhất trong ba năm, kim ngạch thương mại vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD....

Thay đổi để cuộc sống tốt đẹp hơn

Đây chính là thông điệp được ông Moon Jae-in nhấn mạnh trong ngày đánh dấu một năm nhậm chức.

Thừa nhận bốn năm còn lại trong nhiệm kỳ này của  mình sẽ vẫn còn nhiều thách thức, từ tỷ lệ thất nghiệp cao, xây dựng hệ thống chính trị "sạch" tới ổn định quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ....

Quan trọng nhất là thực hiện “Tuyên bố Panmunjom vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên,” nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tạo dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

"Chặng đường phải đi trước mắt còn rất dài," Tổng thống Moon Jae-in nói, nhưng ông khẳng định và tin tưởng rằng ông và chính phủ sẽ "không ngần ngại bước tiếp." Người đứng đầu Hàn Quốc nhấn mạnh: cần phải thay đổi, thay đổi để cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Hàn quốc, bởi "người dân Hàn Quốc đã trao cho ông sự tin tưởng.''/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục