Những cuốn sách văn học và truyện tranh mới xuất bản trong thời gian gần đây thu hút sự quan tâm của độc giả, dẫn đầu danh sách những ấn phẩm bán chạy tại một số nhà sách trực tuyến trong tháng Mười và tuần đầu tiên của tháng Mười Một.
Dưới đây là năm tựa sách văn học, truyện tranh bán chạy theo thống kê của một số nhà sách trực tuyến lớn như tiki.vn, vinabook.com...
1/ “Tớ là mèo Pusheen” (Claire Belton)
“Tớ là mèo Pusheen” là cuốn nhật ký xoay quanh cuộc sống của Pusheen - “nàng mèo” mũm mĩm nổi tiếng trên mạng xã hội facebook. Cuốn truyện giúp người đọc tìm hiểu những điều Pusheen thích thú và lý do “cô nàng” này được hàng triệu người yêu thích trên mạng xã hội.
“Hài hước, kỳ lạ và vô cùng đáng yêu” - Matthew Inman (người sáng lập trang web The Oatmeal) nói về “Tớ là mèo Pusheen.”
Bản dịch tiếng Việt “Tớ là mèo Pusheen” do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành tháng 9/2014.
2/ “Nhật ký Mèo Mốc” (Quang Huy)
Những câu chuyện tưởng như bình thường trong cuộc sống của giới trẻ (như chuyện trường lớp, thi cử, xem phim ma, tìm kiếm đồ thất lạc…) bỗng trở nên vui nhộn, sinh động qua góc nhìn hài hước của Mèo Mốc - một chú mèo toàn thân màu đen thui, chỉ sáng lộ hai mắt.
Sau những giờ phút căng thẳng, bận rộn của cuộc sống, “Nhật ký Mèo Mốc” đưa đến cho người đọc những phút giây thư giãn với những tràng cười sảng khoái. Ở đó, người đọc cũng có thể tìm thấy hình ảnh, câu chuyện của chính mình.
“Nhật ký Mèo Mốc” là tập truyện tranh đầu tay của tác giả trẻ Quang Huy.
Sách do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin và Công ty Phát hành Sách Sky phát hành tháng 10/2014.
3/ “Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương” (Haruki Murakami)
Sự đoạn tuyệt bất ngờ của bốn người bạn thân đầy màu sắc (Xanh, Đỏ, Trắng và Đen) đã để lại cho Tazaki Tsukuru một vết thương lòng nặng nề. Nó đeo đẳng, ám ảnh gã suốt 16 năm đằng đẵng. Cùng với vết thương ấy là một mệnh đề đã gần như trở thành kết luận trong lòng gã: Tazaki Tsukuru không màu và trống rỗng.
“Ký ức có thể che giấu nhưng lịch sử thì không thể xóa bỏ.” Lời người bạn gái Kimoto Sara đã đưa gã vào cuộc hành trình tìm gặp bốn người bạn cũ để xác định lại mệnh đề trên cũng như cái lõi thực sự của vết thương lòng.
Cũng giống như nhiều tác phẩm khác, ở đây, Murakami tiếp tục tạo ra một không khí u sầu, lặng lẽ cùng những câu chuyện mơ hồ, để nhân vật nhìn sâu vào nội tâm của chính mình.
Để sau cùng, gã nhận ra một điều: “Ở phần sâu xa nhất trong linh hồn mình, lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương, nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh.”
Bản dịch tiếng Việt “Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành tháng 10/2014.
4/ “Thương nhớ Trà Long” (Nguyễn Nhật Ánh)
Đúng như tên gọi, những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh ở cuốn tạp văn này nhuộm một màu thương nhớ.
Từ ký ức về ngôi nhà cũ, cuốn sách xưa, những món ăn mẹ nấu và những trò chơi dân dã..., Nguyễn Nhật Ánh kể về tuổi thơ ở vùng quê nghèo khó nhưng ấm áp tình người.
Mạch văn nối dài, “Thương nhớ Trà Long” còn là những dòng tự sự, suy tư của Nguyễn Nhật Ánh về sự trôi chảy của thời gian, về quá trình hiện đại hóa và những nơi nhà văn đã đi qua…
Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 9/2014.
5/ “Sông máu” (Nguyễn Ngọc Thạch)
Đây là tuyển tập truyện ngắn về đề tài đồng tính của tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Mỗi truyện mở ra một không gian riêng với những ám ảnh về thân phận con người.
Những truyện ngắn ở "Sông máu" được viết ở nhiều thời điểm khác nhau: có truyện ra đời cách đây ba năm, có truyện xuất hiện lần đầu cách đây sáu năm nhưng cũng có truyện mới được tác giả hoàn thành trước ngày ra mắt sách chỉ vài tháng... Chính điều này đã giúp độc giả hình dung rõ hơn về quá trình sáng tác với những sự thay đổi trong cách viết của Nguyễn Ngọc Thạch.
Sách do Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành tháng 9/2014./.