Năm 2012, Hàn Quốc đã tạm ngừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) khiến cho hơn 14.000 lao động chuẩn bị được giới thiệu cho chủ sử dụng Hàn Quốc mất đi cơ hội việc làm thu nhập cao.
Kể từ đó, hàng loạt những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ bỏ trốn, những thay đổi quyết liệt trong chính sách pháp luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được thực thi nhằm mở lại thị trường xuất khẩu lao đông này.
Ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đến ngày 31/12/2013, một bản ghi nhớ đặc biệt về việc phái cử và tiếp nhận lao động theo chương trình EPS (bản ghi nhớ MOU) giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động-Việc làm Hàn Quốc đã được ký kết.
Theo đó, Hàn Quốc sẽ mở cửa tiếp nhận hơn 14.000 lao động đã thi đỗ chứng chỉ tiếng Hàn để đi làm việc tại Hàn Quốc. Đặc biệt, thời gian thực hiện bản ghi nhớ này sẽ là cơ sở để phía Hàn Quốc xem xét ký lại chương trình EPS.
Khó cho lao động đi lần đầu
Theo bản ghi nhớ đặc biệt MOU, có ba đối tượng được phía Hàn Quốc cho phép giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc là: Lao động đã đỗ các kỳ thi tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012 và tháng 8/2012; lao động huyện nghèo sang Hàn Quốc làm nông nghiệp đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tháng 8/2012 và lao động về nước đúng hạn.
Vì thời gian tạm dừng đưa lao động đi Hàn Quốc đã khá lâu nên để hỗ trợ lao động ôn luyện lại tiếng Hàn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lên phương án giao cho Trung tâm Lao động Ngoài nước mở các lớp dạy bổ túc lại tiếng Hàn và các kiến thức cần thiết khác cho người lao động, học phí sẽ do người lao động tự chi trả.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội) cho biết thêm: “Riêng hơn 2.700 lao động thuộc huyện nghèo đã đăng ký thi tiếng Hàn để đi Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp thì sẽ được hỗ trợ để học lại tiếng Hàn theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.”
Đối với vấn đề ký quỹ 100 triệu đồng trước khi đi làm việc ở nước ngoài, theo Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), thủ tục ký quỹ không gặp khó khăn, đã có 4 chuyến bay mà lao động phải ký quỹ trước khi đi làm việc ở Hàn Quốc được thực hiện suôn sẻ. Riêng trong tháng 1/2014, sẽ có 4 chuyến bay đưa lao động đi Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ông Phan Văn minh cũng nhận định, do đây là những lao động đã từng đi Hàn Quốc làm việc nên khoản tiền ký quỹ 100 triệu đồng có thể không phải quá lớn đối với người lao động. Còn đối với lao động mới đi Hàn Quốc lần đầu trong thời gian tới có thể khoản tiền này sẽ hơi khó khăn, nhất là lao động tại các vùng kinh tế khó khăn.
“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Ngân hàng chính sách tạo điều kiện có lao động nghèo, lao động khó khăn đủ điều kiện đi Hàn Quốc làm việc được vay vốn ký quỹ,” ông Phan Văn Minh cho biết.
Ngay sau khi ký kết bản ghi nhớ đặc biệt, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi Hàn Quốc đã được gửi về các địa phương và người lao động. Hạn cuối cùng nhận hồ sơ là 17/1, ông Phan Văn Minh cho biết, toàn bộ hồ sơ của người lao động sẽ được hoàn tất trước Tết Nguyên đán để có thể sớm giới thiệu lao động cho chủ sử dụng Hàn Quốc.
Thêm những áp lực mới
Việc thị trường Hàn Quốc đóng cửa với lao động Việt Nam đã gây nên những áp lực rất lớn lên xuất khẩu lao động. Bản ghi nhớ được biệt được ký kết mở ra cơ hội cho hàng chục nghìn lao động Việt Nam nhưng cũng còn nhiều thách thức để có thể mở lại thị trường này.
Đến năm 2012, so với 14 quốc gia phái cử khác, Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ lao động được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Số lượng lao động Việt Nam được tiếp nhận chiếm trên 25% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.