Năm tháng qua, nông nghiệp xuất siêu đạt gần 3,3 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái; còn tổng giá trị nhập khẩu đạt 12,8 tỷ USD, tăng 2,1%; như vậy thương mại đạt gần 3,3 tỷ USD.
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tháng Năm vừa qua ước đạt 3,62 tỷ USD.

Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ; trong đó, nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành đạt gần 3,3 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có sự tăng trưởng trở lại, trong khi những tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại.

Trong 5 tháng, nhóm hàng nông sản chính xuất khẩu ước đạt 7,7 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như chè tăng 30%; rau quả 10,3%; cao su 2,4%.

Tuy nhiên, do nhiều mặt hàng chịu giá xuất khẩu giảm sâu như hạt tiêu giảm 26%, hạt điều 21%, càphê 10%, gạo 15%, nên mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng nhưng không đủ bù đắp được sự sụt giảm về giá, làm cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại.

Bên cạnh đó, các mặt hàng như gạo, càphê, sắn và sản phẩm từ sắn vẫn giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu giảm 4%, giá trị đạt 1,2 tỷ USD, giảm 20%; càphê giảm 12,4% về khối lượng và giá trị giảm 22%, đạt 1,3 tỷ USD; khối lượng sắn và sản phẩm từ sắn giảm 17,6%, giá trị đạt 414 triệu USD, giảm 11%.

[Giá nhiều mặt hàng đi xuống, nhập siêu tăng mạnh trong tháng Năm]

Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ; trong đó cá tra ước đạt 795 triệu USD tương đương cùng kỳ, tôm các loại ước đạt 1,1 tỷ USD.

Xuất khẩu lâm sản vẫn duy trì sự tăng trưởng tốt, ước đạt gần 4,25 tỷ USD, tăng 19,6%; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 18,7%; sản phẩm mây, tre, cói 191 triệu USD tăng 43%. Các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu đạt 255 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở dĩ tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng đầu năm của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ năm 2018 là do những thay đổi về mặt chính sách của Trung Quốc, cũng như tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Trong 5 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu của nhóm mặt hàng này tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên do giá xuất khẩu giảm sâu nên mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng nhưng không đủ bù đắp được sự sụt giảm về giá, làm cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kết quả sản xuất ngành nông nghiệp tháng Năm vừa qua và 5 tháng qua cho thấy xuất hiện nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành năm 2019, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 như kịch bản tăng trưởng đã đề ra từ 2,7% đến 2,85%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các đơn vị, các địa phương chỉ đạo, điều hành kịp thời, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng như tăng sản lượng rau và cây ăn quả; chăn nuôi tăng sản lượng gia cầm và trứng lên tên 10% đáp ứng nhu cầu người dân cho thực phẩm thay thế thịt lợn; tăng sản lượng bò.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục