Chính phủ Nam Sudan ngày 4/9 đã nhất trí chấp nhận thêm 4.000 binh sỹ thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc để tránh lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt tại quốc gia này, đồng thời cho biết những chi tiết về kế hoạch triển khai binh sỹ vẫn đang được thảo luận.
Thông báo trên được đưa ra sau một cuộc họp tại thủ đô Juba giữa Tổng thống Salva Kiir và phái đoàn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power dẫn đầu.
Tháng Tám vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu và thông qua việc triển khai 4.000 binh sỹ, chủ yếu đến từ các nước ở khu vực này, để bổ sung cho Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (UNMISS) nhằm mở rộng nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại quốc gia Đông Phi này.
Nếu chính phủ của Tổng thống Kiir không chấp thuận đề xuất, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ cân nhắc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí tại quốc gia non trẻ nhất thế giới.
Thông cáo báo chí chung giữa Chính phủ Nam Sudan và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho biết: "Chính phủ chuyển tiếp Thống nhất Dân tộc đồng ý việc triển khai binh sỹ như một phần của UNMISS để tăng cường tình hình an ninh."
Các quốc gia đóng góp binh sỹ cho lực lượng, UNMISS và Chính phủ Nam Sudan sẽ "tiếp tục thảo luận các cách thức triển khai binh sỹ."
Trước đó, Liên minh châu Phi (AU) và Cơ quan Phát triển Liên Chính phủ Đông Phi (IGAD) cũng đã đề nghị bổ sung lực lượng gìn giữ hòa bình tới nước này.
Đầu tháng Bảy, bạo lực và xung đột đẫm máu đã tái bùng phát ở thủ đô Juba và khu vực ngoại ô giữa quân đội chính phủ và lực lượng trung thành của Phó Tổng thống Riek Machar, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người đã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Đặc biệt, tình hình căng thẳng leo thang và thỏa thuận hòa bình có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Salva Kiir quyết định phế truất Phó Tổng thống Riek Machar và bổ nhiệm ông Taban Deng Gai làm Phó Tổng thống thứ nhất của Nam Sudan.
Với 12.000 binh sỹ và cảnh sát đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, UNMISS hiện phải đối mặt chỉ trích mạnh mẽ do không ngăn chặn được những cuộc xung đột đẫm máu cũng như không bảo vệ được thường dân./.