Nam Phi vận động đầu tư cho phát triển kinh tế xanh tại các nước nghèo

Quan chức Nam Phi cho rằng các nước đang phát triển không thể thực hiện các mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu nếu không có “nguồn tài chính bền vững và hiệu quả” từ các nước giàu hơn.
Nam Phi vận động đầu tư cho phát triển kinh tế xanh tại các nước nghèo ảnh 1Bộ trưởng Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản, Barbara Creecy. (Nguồn: news24.com)

Ngày 22/10, Bộ trưởng Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi Barbara Creecy cho biết tại diễn đàn toàn cầu về môi trường sắp tới, Nam Phi sẽ vận động các nước giàu có đầu tư nhiều hơn cho các nước đang phát triển, nhằm hỗ trợ các nước này thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xanh.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh), bà Creecy thừa nhận các nước đang phát triển như Nam Phi không thể thực hiện các mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu hoặc hoàn thành các kế hoạch chuyển đổi năng lượng nếu không có “nguồn tài chính bền vững và hiệu quả” từ các nước giàu hơn và các tổ chức quốc tế.

Bà Creecy cho rằng điều này đòi hỏi các nước phát triển phải thực hiện tốt các cam kết tài trợ của họ đối với các nước có thu nhập thấp hơn, cả ở hiện tại và trong tương lai.

Bộ trưởng Creecy nhấn mạnh Nam Phi sẽ tham dự COP26 với một nhiệm vụ rõ ràng là đàm phán cho các nước đang phát triển, để tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu đối với người dân.

[OECD ngừng cấp tín dụng xuất khẩu cho các nhà máy nhiệt điện than]

Theo quan chức này, COP26 phải thiết lập lại lòng tin giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển bằng cách đảm bảo các cam kết tài chính hiện có được tôn trọng.

Bà cũng cho rằng: “Điều quan trọng không kém là bắt đầu quá trình xác định mục tiêu huy động tài chính mới và tham vọng hơn sau năm 2025 là các nước phát triển dành cho cho các nước đang phát triển mức sàn từ 100 tỷ USD mỗi năm.”

Các nền kinh tế phát thải carbon thấp đòi hỏi các quốc gia phải chuyển đổi từ việc phụ thuộc vào năng lượng nhiệt điện than sang các năng lượng xanh như năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.

Cũng tại cuộc họp báo tổ chức tại thủ đô Pretoria, bà Creecy thông báo rằng Nam Phi, cùng 3 quốc gia khác, đã được lựa chọn để tham gia Chương trình đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than đá do Quỹ đầu tư khí hậu toàn cầu (CIF) xây dựng. Theo đó, CIF sẽ cung cấp một khoản tài trợ không hoàn lại, dự kiến từ 200-500 triệu USD, cho Nam Phi để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục