Nam Phi - thị trường đầy tiềm năng cho hàng thủy, hải sản Việt Nam

Các sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam đã đứng vững và có mặt trong các hệ thống siêu thị dành cho những người có thu nhập cao ở Nam Phi và tiềm năng của thị trường này còn rất lớn.
Nam Phi - thị trường đầy tiềm năng cho hàng thủy, hải sản Việt Nam ảnh 1Công nhân thực hiện phân loại kích cỡ tôm trong các nhà máy chế biến thủy sản. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Bên lề phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Phi do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 26/5, ông Phạm Thanh Hải - Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, cho biết Nam Phi là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho hàng thủy, hải sản Việt Nam.

Ngoài ra, Nam Phi còn là cửa ngõ quan trọng để hàng thủy, hải sản Việt Nam thâm nhập thị trường khu vực.

Là quốc gia nằm ở cực Nam Bán cầu, tận cùng của châu lục, Nam Phi - với dân số 60 triệu người, là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất châu Phi.

Đất nước đa sắc tộc có tên gọi “Quốc gia cầu vồng” này cũng là đầu tàu thúc đẩy phát triển trên mọi mặt của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của Nam Phi đạt 320 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 5.000 USD/năm.

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1993, sau gần 3 thập kỷ, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi không ngừng phát triển tốt đẹp, với nhiều thành tựu đạt được trong các lĩnh vực quan trọng như chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, nông nghiệp…

Đặc biệt, Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi với kim ngạch song phương bình quân hàng năm hơn 1,2 tỷ USD suốt 3 năm qua (2019-2021).

[Thúc đẩy hợp tác thương mại song phương Việt Nam-Nam Phi]

Theo số liệu của Bộ Công thương, Nam Phi nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng tôm 3,17 triệu USD, cá đông lạnh 1,03 triệu USD (chủ yếu là cá da trơn và cá ngừ) trong năm 2021.

Mặc dù kim ngạch song phương ít nhiều chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng vẫn duy trì ổn định, qua đó cho thấy hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng thủy sản Việt Nam nói riêng đã có chỗ đứng tại thị trường này.

Các sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam đã đứng vững và có mặt trong các hệ thống siêu thị dành cho những người có thu nhập cao ở Nam Phi như Woolworth. Đồng thời, tiềm năng của thị trường này còn rất lớn khi chính mặt hàng tôm từng ghi nhận mức nhập khẩu kỷ lục 13,3 triệu USD (năm 2017), còn cá đông lạnh là 3,5 triệu USD (năm 2018).

Theo một nghiên cứu được Stanford công bố gần đây, trong khi mức tiêu thụ thịt bò trên đầu người đã giảm kể từ những năm 1960, thì mức tiêu thụ thủy sản lại tăng hơn gấp đôi và tất cả các dấu hiệu đều cho thấy tiêu thụ cá toàn cầu sẽ tăng gần 80% vào năm 2050.

Với thị trường Nam Phi, có thể mượn đánh giá của Atlantis Seafood Products - công ty chế biến cá tươi và đông lạnh lớn thứ ba ở nước này, hồi tháng 1/2022 cho rằng xu hướng tiêu thụ thủy sản cũng rõ nét tại thị trường nội địa.

Theo công ty, những người Nam Phi có thu nhập cao quan tâm hơn tới sự đa dạng của các dòng sản phẩm, thí dụ các loại cá đặc sản như cá hồi, cá bơn, cá chuồn… cũng như các sản phẩm chế biến sẵn như giáp xác hai mảnh hay tôm chế biến. Nhóm thu nhập trung bình và thấp cũng tăng nhu cầu đối với các sản phẩm có giá cả phải chăng như cá thu ngựa và cá mòi (dễ đánh bắt ở Nam Phi).

Ngoài ra, với vai trò là nền kinh tế đầu tàu dẫn dắt khu vực SADC, điều đáng quan tâm là hệ thống siêu thị bán lẻ của Nam Phi không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn phục vụ nhiều quốc gia lân cận trong Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi.

Việc doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng cung ứng hàng hóa cho hệ thống siêu thị Nam Phi cũng đồng nghĩa với cơ hội tiếp cận được thị trường rộng lớn với hơn 364 triệu dân và GDP hơn 710 tỷ USD hàng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục