Nam Phi tạo đột phá trong quản lý tiền điện tử ở châu Phi

Nam Phi đã chính thức áp dụng luật đầu tư và thương mại tiền điện tử. Các cơ quan quản lý thị trường tài chính, thị trường vốn của nước này dự báo hoạt động giao dịch bằng tiền điện tử sẽ gia tăng.
Nam Phi tạo đột phá trong quản lý tiền điện tử ở châu Phi ảnh 1Ảnh minh họa.

Trang qz.com mới đây đã đăng bài phân tích cho thấy công nghệ tiền điện tử tại châu Phi đang làm đảo lộn mọi thứ trong lĩnh vực tài chính, từ tiết kiệm đến giao dịch và thanh toán.

Theo bài viết, Nam Phi đã chính thức áp dụng luật đầu tư và thương mại tiền điện tử, với các cơ quan quản lý thị trường tài chính và thị trường vốn của nước này dự báo hoạt động giao dịch bằng tiền điện tử trong phạm vi nội địa sẽ gia tăng.

Điều đó đánh dấu sự khác biệt của Nam Phi với phần lớn các nước còn lại của châu Phi.

Ở nhiều quốc gia khác, các ngân hàng trung ương đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại tránh xử lý các giao dịch liên quan đến thương mại tài sản tiền điện tử.

Động thái đó diễn ra bất chấp sự gia tăng trong hoạt động giao dịch tiền điện tử với Nam Phi, Nigeria và Kenya, những nước đang nằm trong số các thị trường hàng đầu châu Phi về đầu tư, giao dịch bitcoin và các loại tiền điện tử khác.

Đã có đánh giá đưa Nigeria “là quốc gia giao dịch bitcoin ngang hàng đứng đầu lục địa” với khối lượng giao dịch đạt 99 triệu USD trong quý I/2021. Khối lượng giao dịch của Kenya và Ghana - ở hạng hai và hạng ba - đạt lần lượt 34,8 triệu USD và 27,4 triệu USD. Nam Phi đứng thứ 4 với 25,8 triệu USD.

Nhu cầu về thắt chặt các quy định cho tiền điện tử

Việc thiếu quy định tại các thị trường lớn nêu trên đang thúc đẩy người dùng áp dụng các giao dịch ngang hàng cùng những lựa chọn giao dịch ngầm thay thế, khi các sàn giao dịch tiền điện tử chính thống và nền tảng mở gặp khó trong việc giải quyết các khoản thanh toán liên quan đến ngân hàng.

Liên hợp quốc đã lưu ý trên tạp chí Africa Renewal tháng 6/2021 của tổ chức này rằng tình hình đó đang phổ biến khắp châu Phi. Tổ chức này nhấn mạnh rằng với bản chất thay đổi liên tục của thế giới tiền điện tử, một trong những rủi ro lớn nhất đối với một số quốc gia châu Phi là thiếu quy định phù hợp để kiểm soát loại tài sản này. Do đó, Liên hợp quốc cho rằng điều lĩnh vực tiền điện tử cần nhất lúc này chính là các quy định.

Các thị trường tài chính và vốn cho rằng với khu vực tài chính phát triển nhất trên lục địa, Nam Phi đang đi theo hướng tiếp cận khác vì nước này cảm nhận được sự bùng nổ sắp diễn ra trong thương mại tiền điện tử ở nội địa và trên toàn châu Phi. Nam Phi đã công nhận tiền điện tử là một tài sản đầu tư và chịu thuế.

[Bitcoin lần đầu giảm xuống mức 30.000 USD sau gần 5 tháng qua]

Nhóm công tác liên chính phủ mới thành lập của Nam Phi - có nhiệm vụ phát triển các chính sách mới liên quan đến tiền điện tử - cho rằng loại tài sản này không thể nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng.

Sự bùng nổ tiền điện tử ở Nam Phi

Theo dữ liệu của cơ quan chức năng Nam Phi, giá trị giao dịch tài sản tiền điện tử hàng ngày ở Nam Phi đã lần đầu tiên vượt 145 triệu USD vào tháng 1/2021.

Sự gia tăng nhanh chóng trong giao dịch tiền điện tử ở Nam Phi – cũng như số trường hợp lừa đảo gia tăng trong đó có việc đòi chuộc bằng tiền điện tử – dường như đang thúc đẩy quốc gia này quản lý các tài sản ảo.

Các quy định mới của Chính phủ đều nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu việc lạm dụng tiền điện tử cho các hoạt động bất hợp pháp.

Để phòng chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, các quy định mới sẽ đề cập đến việc xác minh và chứng thực khách hàng, thẩm định khách hàng, lưu giữ hồ sơ về khách hàng và thông tin giao dịch, cũng như giám sát hoạt động đáng ngờ và bất thường.

Ngoài ra, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB - ngân hàng trung ương) cũng sẽ giám sát chặt chẽ các tài sản tiền điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính xuyên biên giới.

Bất chấp những động thái này, Nam Phi vẫn có kế hoạch hạn chế các ngân hàng và tổ chức tài chính khác tiếp xúc với tài sản tiền điện tử. Lý do là vì theo thời gian, rủi ro từ loại tài sản này có thể lan rộng và đe dọa tính ổn định của hệ thống tài chính.

Các nhà quản lý tài chính ở Zimbabwe, Nigeria và Kenya đã cấm các ngân hàng xử lý giao dịch liên quan đến tiền điện tử, dẫn đến việc chuyển hướng sang sử dụng tiền di động và các phương tiện thanh toán kỹ thuật số khác để xử lý các giao dịch tiền điện tử.

Một video được LocalBitcoins (nền tảng thương mại cho các giao dịch ngang hàng) đăng trên YouTube cho thấy các nền tảng tiền di động M-Pesa và Pesalink là những phương thức thanh toán phổ biến nhất ở Kenya. Hiện quốc gia này ghi nhận số nhà giao dịch tiền điện tử trên nền tảng M-Pesa tăng lên 17.000 người vào cuối tháng 2/2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục